Tổng quan về cây dưa lưới

Kích thước chữ

Hiện nay, nhu cầu tiêu dùng rau, củ, quả ở Việt Nam ngày một tăng lên dẫn đến diện tích trồng rau liên tục được mở rộng. Trong đó, dưa lưới đang là một trong những loại rau ăn quả mang lại giá trị kinh tế lớn được nhiều người tiêu dùng lựa chọn vì hương vị thơm ngon và có nhiều giá trị dinh dưỡng. Cùng với Bác sĩ cây xanh tìm hiểu về những đặc điểm của cây dưa lưới ở bài viết dưới đây nhé.

Giới thiệu chung về cây dưa lưới

Tên thường gọi: Dưa lưới

Tên khoa học: Cucumis melo L. thuộc họ Bầu bí (Cucurbitaceae)

Dưa lưới là loại hoa quả quen thuộc trên bàn ăn của nhiều gia đình người Việt Nam. Không chỉ ngon miệng mà còn chứa nhiều chất chống oxy hóa như vitamin A, C, E, hàng loạt flavonoid như zeaxanthin, cryptoxanthin,…và các dưỡng chất khác giúp tăng cường sức đề kháng, chống lại nhiều căn bệnh nguy hiểm [2]

Có thể nhận diện cây dưa lưới qua các đặc điểm sau [1]

  • Thân: Thân thảo, có thể dài đến 3m, phủ lông mịn, có nhiều nhánh gần gốc, nhám với nhiều lông mềm.
  • Lá: Lá xếp xen kẽ, phiến lá có thể hình tròn, hình oval hoặc hình thận, bề mặt có phủ lông mịn. 
  • Rễ: Bộ rễ dưa lưới khá phát triển, lan rộng trên mặt đất và có thể kéo dài khoảng 30 - 40cm. Ngoài ra, các rễ bất định cũng có thể phát sinh từ đốt hoặc nách lá.
  • Hoa: Dưa lưới có hoa đực, cái và hoa lưỡng tính trên cùng một cây. Hoa có màu vàng, hoa đực xuất hiện trước và mọc thành chùm, hoa cái mọc riêng lẻ. Trong tự nhiên, hoa dưa lưới được thụ phấn nhờ côn trùng. 
  • Trái: Có hình bầu dục hoặc hình tròn, màu sắc khá đa dạng (màu xanh, xám,...), có các đường gân trắng đan xen như hình lưới, trọng lượng trung bình dao động từ 1,5 - 3kg. Thịt trái có màu cam, vàng hoặc trắng,...

Hiện nay, dưa lưới được trồng rộng rãi ở nhiều nước trên thế giới như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Việt Nam,…Ở nước ta, dưa lưới được trồng chủ yếu ở các tỉnh: Hậu Giang, Hồ Chí Minh, Bình Dương, Ninh Thuận,…

Điều kiện sinh trưởng của cây dưa lưới

Ánh sáng

  • Dưa lưới là loại cây ưa sáng, phát triển tốt nhất trong điều kiện thời tiết ấm khô. Yêu cầu ánh sáng trong ngày của cây dao động từ 8 - 12 giờ. 

  • Quang kỳ ngắn kết hợp với cường độ ánh sáng mạnh mẽ sẽ thúc đẩy cây ra nhiều hoa cái, giúp tăng tỷ lệ đậu trái và cho năng suất cao. Ngược lại, khi trời âm u, ít sáng hoặc có mưa phùn sẽ khiến cây phát triển kém, làm giảm khả năng đậu trái và ảnh hưởng xấu đến phẩm chất trái [1].

Nhiệt độ

  • Nhiệt độ tối ưu cho sự phát triển của dưa lưới từ 18 - 25oC. Ngoài ra, vì là một loại cây vùng nhiệt đới nên dưa lưới có thể chịu đựng nhiệt độ lên đến 40oC trong nhiều ngày liền mà vẫn không ảnh hưởng quá nhiều đến các quá trình sinh hóa của cây.

  • Ở 12oC, cây sẽ phát triển chậm và cho năng suất thấp [1].

Độ ẩm

  • Độ ẩm thích hợp nhất cho dưa lưới phát triển dao động từ 45 - 55%. Nếu độ ẩm quá cao sẽ tạo điều kiện cho nấm bệnh phát triển và xâm nhiễm vào cây.

  • Ngoài ra, khi độ ẩm và nhiệt độ thay đổi đột ngột trong thời kỳ nuôi trái có thể gây ra hiện tượng trái phát triển không bình thường và khả năng dị hình cao [1].

Đất

  • Dưa lưới là một loại cây vùng nhiệt đới nên khả năng chịu hạn của cây rất tốt. Tuy nhiên, khả năng chịu ngập úng của cây khá kém. Đất trồng cần có độ tơi xốp, thoát nước tốt. 

  • Những loại đất phù hợp cho sự sinh trưởng và phát triển của dưa lưới là: Đất thịt nhẹ, đất cát pha, đất phù sa,... trong đó, thích hợp nhất là đất trộn trấu [3].

Hiệu quả kinh tế của cây dưa lưới

Hiệu quả kinh tế của cây dưa lưới
Hiệu quả kinh tế của cây dưa lưới
  • Nhờ vào khí hậu thích hợp cộng với thời gian sinh trưởng ngắn, ứng dụng công nghệ cao, hiện nay, dưa lưới có thể trồng, thu hoạch và bán quanh năm. Tuy giá thành vẫn còn cao hơn so với những loại trái cây khác nhưng những giá trị dinh dưỡng và kinh tế mà dưa lưới mang lại rất lớn nên vẫn giúp cho thị trường này ngày càng phát triển và mở rộng.
  • Giá thành dưa lưới mua tại vườn dao động trong khoảng 35.000 - 40.000 đồng/kg tùy theo từng mùa vụ và nhu cầu tiêu dùng, lãi bình quân thu nhập của người dân thu được rơi vào khoảng 1.5 tỷ/ha/vụ [4].

 

Tài liệu tham khảo

[1] Trung tâm Khuyến nông Tp.HCM (2020), Cẩm nang: Trồng dưa lưới trong nhà màng [trang 5 - 6].

[2] Bs. Phạm Lê Phương Mai (2021), YouMed - Dưa lưới: Loại quả vừa giải khát vừa bổ dưỡng.

[4] Trần Hiền và Thành Chung (2021), "Trồng dưa lưới siêu lợi nhuận trong nhà màng", báo Hải Dương.