Rất nhiều loại nấm bệnh có thể gây hại trong suốt quá trình bảo quản cà rốt. Nếu không có kế hoạch và phương pháp bảo quản đúng cách, hiệu quả kinh tế của người nông dân sẽ bị ảnh hưởng nặng nề.
Dưới đây là một số phương pháp bảo quản cà rốt, bà con có thể tham khảo, để hạn chế các hao hụt không đáng có đối với số lượng và chất lượng củ.
Bảo quản cà rốt ở nhiệt độ thường
Cà rốt sau khi thu hoạch được xếp vào túi nilon hoặc thùng giấy sao cho mỗi túi (thùng) không quá 50kg. Ngoài ra, chúng ta cũng có thể bảo quản cà rốt bằng cách rải đều trên mặt sàn với độ dày từ 30 - 40cm [1].
Ở nhiệt độ thường cà rốt có thể bảo quản được khoảng 2 tháng.
Bảo quản lạnh cà rốt
Bảo quản cà rốt trong kho lạnh
Sau khi thu hoạch, cà rốt sẽ được làm sạch, để ráo nước sau đó cho vào sọt hoặc chất đống cao từ 1 - 2m và lưu trữ trong kho lạnh với nhiệt độ 0 - 10C, độ ẩm không khí từ 90 -95% [1].
Bảo quản cà rốt trong tủ lạnh
Cà rốt sau khi thu hoạch, cắt bỏ phần cuống (chỉ chừa lại củ) hoặc cắt khúc , rửa sạch và để thật ráo sau đó bỏ vào túi zip hoặc bao lại bằng màng thực phẩm rồi đặt vào ngăn mát tủ lạnh.
Lưu ý: Nếu cà rốt chưa được ráo nước mà đã đem đi bảo quản lạnh có thể khiến củ bị thối, hư hỏng.
Bảo quản cà rốt bằng cách sấy khô
Củ cà rốt thu hoạch về đem đi rửa sạch, để ráo rồi tiến hành thái lát hoặc xắt sợi sau đó đưa vào máy sấy.
Nhiệt độ sấy cà rốt ở tiếng đầu tiên là 70 - 750C, khi khối lượng cà rốt giảm còn 50% thì hạ nhiệt độ xuống khoảng 60 - 650C và duy trì cho đến khi củ khô [1].
Ngoài sử dụng máy sấy, bà con cũng có thể làm khô củ cà rốt bằng cách phơi nắng. Tuy nhiên, cách này chỉ nên áp dụng với số lượng cà rốt nhỏ, sử dụng cho hộ gia đình.
Cà rốt bảo quản bằng phương pháp sấy khô sẽ có thời gian sử dụng lâu hơn các phương pháp bảo quản khác.
Tài liệu tham khảo
[1] Lê Duy Thành. Giáo trình mô đun thu hoạch và tiêu thụ sản phẩm. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trang 31 - 37.