Kỹ thuật nhân giống cây hoa cẩm chướng

Kích thước chữ

Hoa cẩm chướng có thể nhân giống bằng hai phương pháp: nhân giống hữu tính và vô tính. Bà con nên dựa vào đặc điểm của cây, điều kiện kỹ thuật và kinh tế của nhà vườn để lựa chọn phương pháp nhân giống phù hợp.  

Hướng dẫn kỹ thuật nhân giống cây hoa cẩm chướng

Nhân giống bằng phướng pháp gieo hạt [3] 

Để tiến hành nhân giống bằng phương pháp này, bà con cần chọn lọc hạt cẩm chướng từ cây hoa chính vụ có hoa to, cây khoẻ mạnh, không sâu bệnh. Các bước thực hiện như sau: 

Nhân giống hữu tính hoa cẩm chướng
Nhân giống hữu tính hoa cẩm chướng
  • Bước 1: Chuẩn bị 

- Đầu tiên, cần chuẩn bị đầy đủ các dụng cụ: khay ươm, hạt giống, đất đã được xử lý. 

  • Bước 2: Xử lý hạt giống 

- Xử lý hạt giống trước khi trồng bằng cách ngâm nước ấm trong 3-6 giờ tuỳ vào thời tiết, sau đó lấy hạt giống ra, tiến hành rửa sạch và chuẩn bị gieo hạt. 

  • Bước 3: Gieo hạt 

- Trộn hạt cẩm chướng cùng với tro hoặc cát rồi tiến hành rắc đều trên mặt luống. Sau khi gieo hạt xong, bà con rắc một lớp đất mỏng để phủ lên bề mặt, cuối cùng là phủ lên trên một lớp rơm rạ mỏng để giữ ẩm.  

- Hạt sẽ mọc sau khoảng 5-7 ngày, tiến hành bỏ lớp rơm rạ trên bề mặt và tưới đủ ẩm cho cây con.  

- Khi cây cao khoảng 3-4cm, tỉa thưa cây và trồng ra vườn ươm.  

- Khi cây cao 10-12cm, đưa cây ra vườn trồng đại trà. 

Nhân giống bằng phương pháp giâm cành [2] 

Giâm cành là phương pháp trồng cẩm chướng phổ biến ở nước ta bởi các ưu điểm như: chủ động được giống, dễ chăm sóc, tỷ lệ sống cao, thời gian ngắn và dễ làm. 

Để cây con phát triển khoẻ mạnh thì cần chuẩn bị riêng vườn cây mẹ để lấy cành giâm. Sử dụng giống thuần sạch bệnh để làm cây mẹ. Các bước tiến hành giâm cành cẩm chướng như sau: 

Nhân giống vô tính (giâm cành)
Nhân giống vô tính (giâm cành)
  • Bước 1: Chuẩn bị 

Cần chuẩn bị các dụng cụ: giá thể giâm cành, chất kích thích sinh trưởng thực vật, vườn cây mẹ. 

  • Bước 2: Cắt cành 

- Chọn chồi ngọn trên cây mẹ khoẻ mạnh, không bị sâu bệnh, chiều dài từ 8-10cm, cây có khoảng 6-8 lá, đường kính thân từ 0,4-0,5cm. 

- Cắt ngang cành ngọn đã chọn bằng dao bén, vết cắt liền mạch. 

  • Bước 3: Xử lý bằng chất kích thích sinh trưởng 

- Xử lý cành trước khi giâm bằng dung dịch ra rễ α-NAA, nồng độ 1000ppm. 

- Nhúng ngập phần gốc khoảng 1-2cm vào dung dịch kích rễ trong thời gian 3-5 giây. 

  • Bước 4: Giâm cành 

Cắm cành giâm vào giá thể đã chuẩn bị cẩn thận từ trước trên luống hoặc khay. 

- Giâm trên luống 

+ Chuẩn bị luống rộng từ 1-1,2m, cao 20-25cm và có rãnh rộng 30-40cm. Giá thể được rải đều trên mặt luống dày khoảng 10-15cm. 

+ Giâm với khoảng cách hàng cách hàng 5cm, cây cách cây 3cm. 

- Giâm trên khay 

+ Chuẩn bị khay giâm với kích thước 40x60cm có 70 lỗ, mỗi lỗ có đường kính 5cm, sâu 5cm. 

+ Cho giá thể đã chuẩn bị vào đầy lỗ, sau đó cắm 2 cành giâm vào mỗi lỗ. Dùng tay cắm cành giâm thẳng đứng xuống giá thể, sâu khoảng chừng 1,5-2cm. 

  • Bước 5: Chăm sóc cây giâm 

- Tưới đẫm nước sau khi giâm để đảm bảo độ ẩm giá thể đạt 90% trong 7-10 ngày đầu, sau đó giảm dần độ ẩm xuống còn khoảng 70-80%. 

- Sau 20-25 ngày, cây xanh tốt, không bị sâu bệnh và không có dấu hiệu ra nụ. Chiều cao cây khoảng 8-10cm, có 6-8 lá, thân có đường kính từ 0,4-0,5cm, rễ dài từ 1-3cm. Có 4 rễ mọc ra đều xung quanh, lúc này có thể đem bứng cây trồng ngoài vườn sản xuất. Nên nhổ cây vào lúc râm mát. 

Nhân giống bằng phương pháp nuôi cấy mô tế bào [1] 

  • Đây là phương pháp nhân giống hiện đại được sử dụng cho canh tác với quy mô công nghiệp lớn trên khắp thế giới. Ưu điểm của phương pháp này là hệ số nhân giống cao, từ một bộ phận của cây mẹ cho ra đời số lượng lớn cây con. Các cây con đều sạch bệnh, chất lượng đồng đều, đồng nhất về mặt di truyền với cây mẹ. 
  • Tuy nhiên, để thực hiện được phương pháp này đòi hỏi nhà vườn có kỹ thuật cao và cần đầu tư nhiều trang thiết bị để thực hiện. 

 

Tài liệu tham khảo 

[1] Đặng Văn Đông, 2005. Công nghệ mới trồng hoa cho thu nhập cao - Quyển 5 - Hoa cẩm chướng, NXB Lao Động - Xã Hội, trang 32. 

[2] Nguyễn Thị Thu Thùy, Ths.Bùi Thị Hồng, TS.Đặng Văn Đông, TS.Trịnh Khắc Quang. Phát triển một số giống hoa chất lượng cao giai đoạn 2006- 2010, Viện nghiên cứu rau quả. 

[3] PGS-TS Nguyễn Xuân Linh - TS Nguyễn Thị Kim Lý, 2005. Ứng dụng Công nghệ trong sản xuất Hoa, NXB Lao động Hà Nội, trang 138.