Hoa cẩm chướng nổi bật với dáng vẻ mỏng manh, dịu dàng nhưng cũng vô cùng kiêu sa. Đây là một trong những loài hoa được thị trường ưa chuộng và mang lại nhiều lợi ích kinh tế cho người nông dân.
Giới thiệu chung về cây hoa cẩm chướng
Tên thường gọi: Hoa cẩm chướng
Tên khoa học:Dianthus Cariophyllus L. thuộc họ Cẩm Chướng (Cariophyllaceae)
Cẩm chướng là một trong 4 loại hoa cắt cành chủ yếu trên thế giới với đa dạng màu sắc và kiểu dáng khác nhau như đỏ, hồng, vàng, trắng, hoa nhiều màu. Hoa cẩm chướng thường được sử dụng để làm vòng hoa, bó hoa, lãng hoa trong các ngày lễ, Tết, sinh nhật,...
Ở Việt Nam, hoa cẩm chướng được du nhập từ đầu thế kỷ XX, hoa được trồng chủ yếu ở những nơi có khí hậu mát mẻ như Đà Lạt, SaPa. Trong những năm gần đây, cây cẩm chướng đã được gieo trồng trên khắp cả nước [1],[2].
Các đặc tính thực vật của hoa cẩm chướng [1]
Rễ: Có dạng rễ chùm với rất nhiều nhánh rễ con, rễ phân bố chủ yếu ở tầng đất mặt (0-20cm).
Thân: thuộc loại thân thảo, thân đứng thẳng và phân nhánh nhiều, cây cao khoảng 70-100cm và nửa hoá gỗ.
Lá: dày và có hình lông chim, nửa trên lá cong ra ngoài, mọc đối nhau, phần gốc lá ôm sát thân.
Hoa: có nhiều màu sắc khác nhau, cuống hoa có từ 16-18 đốt (đối với nhóm hoa to), và tầm 20-22 đốt (đối với nhóm hoa nhỏ).
Điều kiện sinh trưởng của cây hoa cẩm chướng
Ánh sáng
Cẩm chướng là cây ưa sáng và cần thời gian chiếu sáng dài. Cường độ ánh sáng thích hợp cho cây cẩm chướng vào khoảng 1500-11000 lux.
Đủ ánh sáng sẽ giúp cây nhanh phân phân hoá mầm hoa, hoa nở đồng loạt và cho chất lượng tốt. Nếu cường độ ánh sáng dưới 1000 lux thì sẽ làm chậm quá trình ra nụ, nở hoa.
Vào thời kỳ ra hoa rộ, cần che bớt ánh sáng mạnh lúc giữa trưa vào mùa nóng để tránh hiện tượng nhạt màu và cháy cánh hoa do ánh sáng quá mạnh [1],[3].
Nhiệt độ
Nhiệt độ tối ưu cho sự phát triển của cây cẩm chướng khoảng từ 15 - 200 C. Tuy nhiên, nhiệt độ trong phạm vi từ 10 - 150 C cây vẫn sinh trưởng và cho hoa với chất lượng tương đối tốt.
Nhiệt độ quá 300 C hoặc dưới 100 C, cây sẽ sinh trưởng kém với thân lá nhỏ, hoa nhỏ, tuổi hoa ngắn, sản lượng hoa giảm [1].
Độ ẩm
Độ ẩm thích hợp để cẩm chướng sinh trưởng và phát triển tốt vào khoảng 60 - 70%.
Độ ẩm ổn định sẽ giúp cây cẩm chướng hút nước và dinh dưỡng thuận lợi, từ đó cây sinh trưởng tốt, cho năng suất cao [3].
Đất
Đất phù hợp để trồng cẩm chướng là đất thịt nhẹ, nhiều mùn, tơi xốp với độ rỗng đất đạt từ 3 - 5%.
Độ pH thích hợp cho cây cẩm chướng khoảng từ 6 - 6,5. Khi trồng cẩm chướng nhiều vụ liên tục thì phải khử trùng đất trước khi trồng [1].
Hiệu quả kinh tế của cây hoa cẩm chướng
Với những ưu điểm như sản lượng cao, sự đa dạng màu sắc, kiểu dáng đẹp mắt, độ bền cao thuận lợi cho việc bảo quản và vận chuyển đi xa, cẩm chướng đã trở thành một trong những loài hoa cắt cành phổ biến và giá trị [1].
Với giá bán trung bình 2.200 VNĐ/cành cho hoa đơn và 1.600 VNĐ/cành cho hoa chùm. Cẩm chướng đem lại hiệu quả kinh tế rất cao cho bà con nông dân, có những hộ đạt thu nhập tiền tỷ mỗi năm nhờ canh tác hoa cẩm chướng [4].
Tài liệu tham khảo
[1] Đặng Văn Đông, 2005. Công nghệ mới trồng hoa cho thu nhập cao - Quyển 5 - Hoa cẩm chướng, NXB Lao Động - Xã Hội, trang 7-22.
[2] Lim T.K., 2013. Dianthus chinensis. In Edible medicinal and non-medicinal plants, Vol 7, Flowers (pp. 694- 697). Springer Netherla.
[3] Quy trình kỹ thuật trồng hoa cẩm chướng, Trung tâm khuyến nông Lâm Đồng.
[4] Hoàng Yên, 2020. Hoa cẩm chướng chất lượng cao nở rộ ở xã Lát. Báo Lâm Đồng.