Banner

Tổng quan về cây bắp ngô

Kích thước chữ

Cây bắp hay còn gọi là cây ngô, là cây lương thực có tầm quan trọng đứng thứ 2 ở nước ta, chỉ sau cây lúa nước. Bắp ngô có khả năng sinh trưởng tốt ở nhiều môi trường và tầng đất khác nhau, được bà con nông dân nhiều nơi lựa chọn làm cây kinh tế chính, góp phần xóa đói giảm nghèo tại nhiều địa phương. Tìm hiểu chung về cây bắp, ngô cùng Bác Sĩ Cây Xanh.

Giới thiệu chung về cây bắp ngô

Tên thường gọi: Bắp, ngô.

Tên khoa học: Zea mays L. ssp. mays; thuộc họ Lúa (Poaceae).

Bắp là cây lương thực trọng yếu, đem lại nguồn thu nhập ổn định cho nhiều hộ gia đình. Cây bắp có thời gian sinh trưởng trung bình từ 90 - 150 ngày. Cây có khả năng chịu hạn và thích ứng tốt trên nhiều loại đất khác nhau của nước ta [1].

Đặc điểm hình thái của cây bắp ngô

Giới thiệu chung về cây bắp
Giới thiệu chung về cây bắp

- Thân: Thân đặc, thẳng và có các đốt, có chiều cao cao trung bình từ 2 - 3m [1].

- Lá: Dài từ 20 - 30cm, rộng 5 - 10cm, mọc ra từ các mấu nối với bẹ lá, bẹ lá ôm sát thân [1], [2]. 

- Hoa: Mọc thành từng cụm thụ phấn nhờ gió, sau khi phát triển thành bắp, phần núm nhụy chuyển hóa thành râu bắp, chuyển màu từ xanh lục sang nâu đỏ.

- Rễ: Có dạng rễ chùm, phát triển to, rộng, bám sâu dưới bề mặt đất để giữ được thân cây cao, lớn.

Điều kiện sinh trưởng và thời vụ của cây bắp ngô

Điều kiện sinh trưởng và thời vụ trồng bắp
Điều kiện sinh trưởng và thời vụ trồng bắp

Điều kiện đất đai

  • Cây bắp có thể phát triển được ở nhiều loại đất khác nhau, nhưng tốt nhất vẫn là đất thịt, hoặc đất thịt pha cát, giàu dinh dưỡng, tơi xốp, thoáng khí, giữ nước tốt. Tầng canh tác dày rễ cây bắp sẽ ăn sâu và bám đất tốt hơn.
  • Cây bắp phù hợp với đất ít chua, ngưỡng pH từ 5,9 - 7,5 là phù hợp nhất [3].

Điều kiện nhiệt độ

  • Nhiệt độ tốt nhất để cây bắp phát triển là 23 - 25°C. Nhiệt độ quá cao (lớn hơn 30°C) sẽ ảnh hưởng xấu đến quá trình sinh trưởng phát triển của cây.
  • Vào giai đoạn cây bắp ra hoa, nhiệt độ lớn hơn 30°C sẽ khiến hạt phấn chết, nhiệt độ thấp hơn 20°C có thể ảnh hưởng lớn đến quá trình sống của cây bắp, đặc biệt là vào giai đoạn nảy mầm, ra hoa [4]. 

Điều kiện độ ẩm

  • Độ ẩm thích hợp nhất cho đất trồng bắp là từ 70 - 80%, nếu độ ẩm đất xuống thấp dưới 55% cây sẽ không thể sống được [6].

Điều kiện ánh sáng

  • Bắp là cây ưa sáng, cần nhiều ánh sáng nhất vào giai đoạn cây con và tạo bắp, bà con cần bố trí trồng ngô ở những khu vực thoáng đãng, nhiều ảnh sáng để phù hợp cho sự phát triển của cây [5].

Thời vụ thích hợp [5].

  • Vùng núi phía Bắc

Có 3 vụ chính, vụ xuân gieo vào khoảng giữa và cuối tháng 2 từ 15/2 đến 30/2. Vụ xuân muộn gieo vào khoảng 1/3 - 15/3. Vụ thu gieo từ 15/7 đến 10/8.

  • Vùng đồng bằng và trung du Bắc Bộ

Có 4 vụ bắp trong năm, vụ xuân bắt đầu gieo từ 20/1 đến 15/2 trên đất chuyên màu. Qua đến vụ hè thu tiến hành gieo 15/4- 25/5. Vụ thu gieo từ 15/7 đến 10/8 trên đất chuyên màu. Vụ cuối là vụ đông, gieo 5/9 đến 30/9 trên đất 2 vụ lúa.

  • Vùng Bắc trung bộ

Có 3 vụ trong năm, vụ xuân gieo từ 15/1 đến 15/2. Vụ hè thu bắt đầu gieo từ  20/5 - 5/6. Vụ cuối là vụ đông gieo từ 15/9 đến 15/10.

  • Vùng duyên hải miền Trung

Có 2 vụ chính, vụ 1 gieo từ tháng 1 còn vụ 2 thì gieo từ 30/4 - 10/5.

  • Vùng Tây Nguyên

Có 2 vụ chính, vụ 1 gieo từ 10/4 đến 10/5, vụ 2 gieo từ 15/7 đến 15/8.

Hiệu quả kinh tế của cây bắp (cây ngô)

Hiệu quả kinh tế
Hiệu quả kinh tế 

Cây bắp là cây lương thực có thể sống tốt ở nhiều địa hình, ngoài ra còn có thể chịu hạn tốt, giúp bà con nông dân tiết kiệm chi phí chăm sóc. Giá cả của cây bắp tương đối bình ổn, giá bắp thu mua trực tiếp tại ruộng đạt trung bình từ 3500 - 4000 đồng/kg. Nếu chăm sóc cẩn thận, đúng quy trình kỹ thuật, người trồng bắp có thể lãi từ 30 - 40 triệu đồng/ha [7].

Tài liệu tham khảo

[1] Nguyễn Thành Đô - Lê Văn Diện (2016), Thiết kế máy thu hoạch ngô và đậu tương [Trang 6 - 7]

[2] Khuyến nông Hà Nội (2020), Hướng dẫn kỹ thuật làm ngô đông.

[3] Clemson.Edu, pH Values of Common Foods and Ingredients.

[4] Trung tâm khuyến nông Lâm Đồng, Kỹ thuật trồng bắp non theo hướng rau an toàn. 

[5] Trần Văn Dư và cộng sự (2011), Nghề trồng ngô - Giáo trình mô đun gieo trồng ngô, Bộ Nông nghiệp và PTNT.

[6] Thanh Tùng và cộng sự (2021), Kỹ thuật trồng ngô sinh khối, Sở NN&PTNT Quảng Trị.

[7] Phước Lễ, Hiệu quả kinh tế từ trồng ngô, Thị xã Hương Trà tỉnh Thừa Thiên Huế.

Xem thêm