Kỹ thuật chọn giống hoa lan: Hiện nay có rất nhiều giống lan trên thị trường với nhiều màu sắc, hình dạng khác nhau. Việc lựa chọn giống hoa sẽ tùy thuộc vào sở thích, kỹ thuật canh tác, điều kiện thời tiết, khí hậu.
Các giống hoa lan được trồng phổ biến hiện nay
Lan Hồ điệp
- Lan Hồ Điệp là loài lan đơn thân, ngắn, lá to, dày, mọc sát nhau. Phát hoa dài, mọc từ nách lá, chùm hoa nở từng cái.
- Lan Hồ Điệp ưa bóng mát và ít chịu nắng. Nhiệt độ 22 - 25 độ C vào ban ngày, 18 độ C vào ban đêm, ánh sáng 30%, ẩm độ tối thiểu 70% là những điều kiện để cây lan Hồ Điệp phát triển tốt [1],[2].
Lan Cattleya
- Lan Cattleya là loài đa thân, có từ 1 - 2 lá/ thân, cây mang nhiều giả hành, trên mỗi đỉnh giả hành có 1 hoặc 2 lá to, chính giữa có 1 lưỡi mèo bao bọc lấy phát hoa.
- Hoa lan Cattleya có mùi rất thơm nhưng mau tàn. Lan phát triển tốt trong điều kiện không khí ẩm mát, nhiệt độ ngày khoảng 21 độ C và đêm 16 độ C, độ che sáng thích hợp là 50% [3].
- Lan Mokara là giống được lai tạo từ 3 giống lan: Ascocentrum, Vanda và Arachnis. Đây là giống lan đơn thân, có thể đạt 6 - 8 phát hoa/ năm.
- Giống lan Mokara ưa ánh sáng trung bình, thích hợp sinh trưởng trong điều kiện ánh sáng 60 - 80%, nhiệt độ 25 - 30 độc C, ẩm độ 60 - 80% [1].
Lan Dendro
- Lan Dendro thuộc nhóm đa thân với nhiều lá mọc xen kẽ, trên thân có nhiều mắt ngủ, hoa có thể mọc từ thân thành từng chùm hoặc mọc đơn, có khả năng nhân giống nhanh hơn các giống lan khác.
- Nhiệt độ thích hợp để lan Dendro phát triển là 29 - 30 độ C, độ ẩm 50 - 70%, ánh sáng 60 - 70% [1],[2].
Tiêu chuẩn chọn cây lan giống
- Cây giống từ nuôi cấy mô [2]
- Cây lan con được nhân giống từ nuôi cấy mô phải đạt được các tiêu chuẩn bên dưới:
- Cây con khỏe mạnh, có bộ rễ hoàn chỉnh.
- Thân cây cao từ 3 - 4cm, lá có màu xanh đặc trưng của giống.
- Cây không nhiễm nấm khuẩn gây bệnh.
- Cây giống từ tách, chiết [2]
- Cây con được tách từ cây mẹ khỏe mạnh, không nhiễm sâu bệnh.
- Thân cây đạt chiều cao khoảng 10 - 15cm, có từ 1 - 3 rẫy, lá có màu xanh đặc trưng của giống.
- Cây con không nhiễm sâu, côn trùng và nấm khuẩn gây hại.
Tài liệu tham khảo
[1] Đỗ Văn Chung và ctv, 2010. Nghề trồng hoa lan: Giáo trình mô đun chuẩn bị giống hoa lan, Bộ Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn trang 53 - 73.
[2] Đỗ Văn Chung và ctv, 2010. Nghề trồng hoa lan: Giáo trình mô đun trồng và chăm sóc hoa lan, Bộ Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn trang 5 - 8.
[3] Nguyễn Thị Thành và Nguyễn Thị Hồng Gấm, 2020. Nghiên cứu nhân giống hai loài lan Cattleya bằng kỹ thuật nuôi cấy in vitro, Trường Đại học Lâm Nghiệp Việt Nam, trang 13.