Banner

Tổng quan về cây khổ qua

Kích thước chữ

Khổ qua là một trong những loại rau ăn quả được sử dụng để làm rất nhiều món ăn quen thuộc trong bữa cơm của gia đình người Việt. Tuy có vị đắng nhưng đây là loại cây đem lại “ quả ngọt ” cho người nông dân vì mang lại nhiều giá trị kinh tế và tốt cho sức khỏe con người. Vì vậy, bà con hãy cùng Bác Sĩ Cây Xanh tìm hiểu về cây khổ qua để khởi đầu một mùa vụ mới. 

Giới thiệu chung về cây khổ qua (Mướp đắng)

Tên thường gọi: Khổ qua, mướp đắng,...

Tên khoa học: Momordica charantia L. Thuộc họ Bầu bí (Cucurbitaceae)

Khổ qua hay còn được gọi là mướp đắng là cây thân thảo hằng năm thuộc họ Bầu bí và có nguồn gốc từ vùng nhiệt đới. Có thể nhận diện cây khổ qua dựa vào các đặc điểm sau [1]:

  • Thân cây khổ qua nhỏ, có góc cạnh, dài khoảng 5m và có lá xẻ từ 3 - 9 thùy, mọc so le với nhau.
  • Cây khổ qua có hoa đực và hoa cái mọc riêng lẻ ở nách lá, cánh hoa có màu vàng nhạt, hoa đực có cuống dài, còn hoa cái có cuống ngắn. Sự thụ phấn trên cây khổ qua diễn ra nhờ côn trùng, chủ yếu là nhờ ong.
  • Trái khổ qua thon dài, có thể thu hoạch sau 2 tuần thụ phấn và dùng để ăn tươi.

Điều kiện sinh trưởng của cây khổ qua (Mướp đắng)

Nhiệt độ

  • Khổ qua thích nghi rộng với điều kiện thời tiết nên được trồng quanh năm suốt tháng.

  • Nhiệt độ lý tưởng để cây phát triển là từ 20 - 35oC, nếu nhiệt độ thấp hơn 20oC hoặc cao hơn 30oC thì cây sẽ bị còi cọc, kém phát triển, hoa dễ rụng và tỷ lệ đậu trái thấp [1].

Ánh sáng

  • Khổ qua là cây ưa sáng, thời gian chiếu sáng thích hợp là từ 6 - 8 tiếng mỗi ngày. Ở điều kiện này cây sinh trưởng và phát triển nhanh, hoa to và có chất lượng tốt. Ngược lại, trong điều kiện âm u, thiếu sáng, cây sẽ sinh trưởng kém và tỷ lệ đậu trái không cao [2].

Độ ẩm

  • Khổ qua trồng được ở vùng nhiệt đới và bán nhiệt đới hoặc nơi có lượng mưa từ 1500- 2500mm. Đây là loài cây có thể chịu hạn trong thời gian dài, tuy nhiên khả năng chịu ngập úng kém.

  • Độ ẩm trung bình thích hợp để cây khổ qua sinh trưởng và phát triển dao động trong khoảng 60 - 70%, nếu độ ẩm cao hơn hoặc thấp hơn độ ẩm trung bình thì cây sẽ kém phát triển, tỷ lệ đậu trái giảm [1].

Đất và dinh dưỡng

  • Khổ qua có thể thích nghi với nhiều loại đất khác nhau. Tuy nhiên, cây phát triển tốt nhất khi được trồng trên nền đất có khả năng thoát nước tốt và giàu chất hữu cơ như: Đất phù sa, đất cát pha,...

  • Độ pH đất thích hợp cho việc canh tác khổ qua là từ 5,5 - 6,7. [2]

  • Khổ qua phát triển nhanh và cho năng suất cao nên cần rất nhiều dinh dưỡng. Tùy theo từng thời kỳ phát triển mà cây sẽ cần những yếu tố dinh dưỡng khác nhau, nhưng chủ yếu vẫn là phân đạm, lân và kali.

Hiệu quả kinh tế của cây khổ qua (Mướp đắng)

Hiệu quả kinh tế của khổ qua
Cây khổ qua mang lại nhiều giá trị kinh tế
  • Đây là một loại cây dễ trồng, thời vụ sản xuất nhanh, đồng thời mang lại năng suất và hiệu quả kinh tế cao.
  • Với năng suất khoảng 20 tấn/ha, giá bán ổn định mua tại vườn rơi vào khoảng 12.000đ/kg, thì việc trồng khổ qua luôn là một sự lựa chọn tốt cho bà con nếu muốn chi phí đầu tư thấp và có thể thu hồi vốn nhanh [3].

 

Tài liệu tham khảo

[1] KS. Nguyễn Văn Tuyến (2012), Kỹ thuật trồng dưa leo, khổ qua, Nhà Xuất Bản Thanh Niên, trang 32 - 33.

[2] All That Grows Blog, "How to grow bitter gourd at home from seeds".

[3] Nguyễn Minh Sang (2019), "Châu Thành: Mô hình trồng khổ qua cho thu nhập cao", Khuyến nông Hậu Giang.