Banner

Tổng quan về cây bầu

Kích thước chữ

Cây bầu có nguồn gốc từ Châu phi và được phân bố khắp các vùng nhiệt đới. Đây là loại cây hằng năm, dễ trồng, thích hợp với điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng ở nước ta nên được ưa chuộng trong sản xuất.

Giới thiệu chung về cây bầu

Tên thường gọi: Bầu

Tên khoa học: Lagenaria siceraria, thuộc họ Bầu bí (Cucurbitaceae)

Bầu là cây rau ăn quả, có thời gian sinh trưởng ngắn, cho năng suất cao và có thể trồng được nhiều vụ trong năm. Quả bầu chứa hàm lượng dinh dưỡng cao, có tác dụng làm mát, giảm đau, lợi tiểu và phòng ngừa bệnh đái tháo đường,...

Dưới đây là một số đặc điểm hình thái của cây bầu [1]:

  • Rễ: Rễ phát triển, lan rộng, có khả năng ra nhiều rễ bất định trên đốt thân.
  • Thân: Có dạng dây leo, phân nhánh, có tua cuốn.
  • Lá: Có phiến tròn, gân lá hình chân vịt.
  • Hoa: Màu trắng, có năm cánh, là hoa đơn tính, cùng gốc.
  • Quả: Có nhiều hình dạng và kích thước khác nhau, vỏ hóa gỗ khi quả già.

Bên cạnh là một loại thực phẩm, dược phẩm có ích cho sức khỏe, quả bầu còn được biết đến như một món đồ thủ công mỹ nghệ độc đáo. Hiện nay, bầu được trồng ở khắp các tỉnh thành trong cả nước, đem lại hiệu quả kinh tế cao, tạo công ăn việc làm và cải thiện đời sống cho nhiều hộ gia đình.

Điều kiện sinh trưởng của cây bầu

Ánh sáng

Bầu là cây ưa sáng, nên trồng cây ở những nơi có ánh sáng đầy đủ. Độ chiếu sáng thích hợp cho cây sinh trưởng và phát triển tốt là 10 - 12 giờ/ ngày [1], [2]. Cây bầu sẽ sinh trưởng và phát triển kém nếu trồng ở nơi râm mát hoặc thiếu ánh sáng mặt trời.

Nhiệt độ

Nhiệt độ từ 25 - 35oC là phù hợp nhất cho cây bầu sinh trưởng và có tỉ lệ đậu quả cao. Nhiệt độ quá cao (trên 40oC) sẽ khiến lá bầu bị cháy, hoặc nhiệt độ quá thấp có thể khiến hạt không thể nảy mầm, cây ra hoa chậm [1],[2].

Đất

Đất phù hợp để cây sinh trưởng và phát triển tốt là đất giàu dinh dưỡng, thoát nước tốt, thành phần cơ giới nhẹ, pH đất từ 5,5 - 7 [1].

Đất quá mặn hoặc quá kiềm sẽ ảnh hưởng bất lợi đến sự sinh trưởng - phát triển của cây.

Độ ẩm

Khả năng chịu hạn của cây bầu khá kém. Thiếu nước cây sẽ sinh trưởng kém, thậm chí không ra hoa, tạo quả. Độ ẩm đất thích hợp nhất cho cây bầu phát triển tốt là từ 85 - 90% [1].

Hiệu quả kinh tế của cây bầu

Hiệu quả kinh tế của bầu
Hiệu quả kinh tế của cây bầu

Bầu là cây trồng dễ tính, cho năng suất cao và được thị trường khá ưa chuộng. Chi phí canh tác cũng như kỹ thuật chăm sóc của loại cây này thấp hơn so với các cây trồng cùng họ như dưa leo, dưa hấu,... 

Bầu được trồng rộng khắp từ Nam ra Bắc, đem lại lợi nhuận cao, cải thiện đời sống vật chất cho nhiều hộ gia đình. Với giá bán 5.000 đồng/ kg, người trồng bầu có thể thu được lợi nhuận từ 80 - 100 triệu/ ha. 

Tính đến cuối tháng 3 năm 2022, giá bầu thu mua tại ruộng dao động từ 7.000 - 10.000 đồng/ kg; giá bầu bán lẻ tại các chợ, cửa hàng, siêu thị từ 16.000 - 18.000 đồng/ kg.

 

Tài liệu tham khảo

[1] Trần Văn Dư và cvt, Giáo trình mô đun trồng và chăm sóc bầu. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trang 6 - 10.

[2] UBND tỉnh Đồng Nai, Quy trình kỹ thuật và định mức kinh tế kỹ thuật trên cây bầu. UBND tỉnh Đồng Nai, trang 1.