Bơ là loại nông sản có giá trị kinh tế cao, rất được ưa thích ở các nước Âu, Mỹ. Tuy nhiên, để tạo ra được một quả bơ ngon, có thể xuất khẩu sang thị trường các nước Âu, Mỹ thì đòi hỏi người nông dân phải có kỹ thuật trồng và chăm sóc cây bơ hợp lý.
Giới thiệu chung về cây bơ
Tên thường gọi: Bơ
Tên khoa học: Persea americana thuộc họ Nguyệt quế (Lauraceae)
- Bơ là loại cây trồng cận nhiệt đới, có nguồn gốc từ Mexico và Trung Mỹ. Đây là loại quả có giá trị dinh dưỡng cao, trở thành một loại thực phẩm vô cùng tốt đối với những người thừa cân, người có nguy cơ mắc bệnh tim mạch, người bị tiểu đường, ung thư,... Ở nước ta, cây bơ được trồng chủ yếu ở vùng Tây Nguyên và các tỉnh miền Đông Nam Bộ [1],[2].
- Có thể nhận biết cây bơ thông qua những đặc điểm sinh vật học sau:
- Thân: Thân gỗ, chiều cao trung bình từ 15 - 20m, thân cây thẳng đứng, chiều cao của cây tùy thuộc vào phương pháp nhân giống cây và chế độ chăm sóc [1],[3].
- Cành: Gồm có cành quả và cành vượt, cành quả là những cành ra hoa, tạo quả. Cành vượt là những cành phát triển chiều cao của cây, mọc theo phương thẳng đứng, không ra hoa.
- Lá: Có chiều dài từ 10 - 30cm, lá non có màu đỏ hồng, khi già chuyển sang màu xanh.Tùy vào từng giống mà lá sẽ có các hình dạng khác nhau, một số hình dạng phổ biến như: Hình bầu dục, hình elip, hình trứng,..[3].
- Hoa: Có màu vàng xanh, nở rải rác suốt mùa hoa, kích thước khoảng 12 - 14mm.
- Quả: Mỗi giống bơ sẽ có một hình dạng quả khác nhau, trung bình mỗi quả bơ nặng từ 0,1 - 1,5kg. Vỏ mỏng, trơn láng hoặc sần sùi, màu xanh lục đậm; khi chín có thể chuyển sang màu đen, thịt quả màu vàng nhạt, mềm [1],[3].
- Hạt: Nằm ở giữa quả, màu nâu đậm, cứng, hình tựa quả trứng, kích thước khoảng 5 - 6cm [3].
Điều kiện sinh trưởng của cây bơ
Nhiệt độ
- Mỗi giống bơ sẽ thích nghi với một khoảng độ cao khác nhau.
- Nhiệt độ trung bình năm của các vùng trồng bơ dao động từ 14 - 25 độ C [1],[3].
Độ ẩm
- Lượng mưa thích hợp cho cây bơ phát triển trong năm là 1000 - 1500mm [1],[3],[4].
- Ở thời kỳ ra hoa tạo quả và thu hoạch, nếu mưa quá nhiều sẽ ảnh hưởng đến quá trình thụ phấn, quả giảm chất lượng.
Ánh sáng
- Lượng ánh sáng tùy thuộc vào tuổi thọ của cây, khi còn nhỏ cây ưa bóng râm để sinh trưởng, khi lớn cây lại cần nhiều ánh sáng để quang hợp và ra hoa tạo quả [3].
Đất đai
- Cây bơ có thể được trồng ở nhiều vùng đất khác nhau như: Đất pha sét, đất thịt nặng,...
- Những vùng đất giàu chất hữu cơ, tầng đất hữu dụng sâu, có khả năng giữ nước và thoát nước tốt [1],[4].
Hiệu quả kinh tế của cây bơ
- Ngày nay, nhu cầu tiêu thụ bơ trên thế giới đang tăng cao, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân nâng cao thu nhập, cải thiện kinh tế. Ở các tỉnh vùng Tây Nguyên như: Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia lai,..., cây bơ là một trong những cây kinh tế chủ lực của bà con nông dân.
- Năm 2021, diện tích trồng bơ ở một số tỉnh, vùng Tây Nguyên được mở rộng như: Đắk Nông có 4.353ha, sản lượng khoảng 24.945 tấn; Đắk Lắk hiện có 9.000 ha bơ các loại, sản lượng đạt 82.000 tấn;..[5].
- Trung bình một cây bơ sẽ cho khoảng 120kg quả, giá thành dao động từ 20.000 - 30.000 đồng/1kg. Ước tính cứ mỗi cây thì người nông dân sẽ thu về được khoảng 2.400.000 đến 3.600.000 đồng [6].
Tài liệu tham khảo
[1] KS. Nguyễn Văn Tuyến. (2012), Kỹ thuật trồng chôm chôm, bơ. NXB Thanh Niên, Hà Nội.
[2] Bản tin KH&CN Hà Giang. Kỹ thuật trồng và chăm sóc cây bơ đạt năng suất cao.
[3] Phạm Thị Bích Liễu và cộng sự. (2013), Giáo trình sơ cấp nghề - Nghề trồng cây bơ. Giáo trình mô đun: Xây dựng kế hoạch trồng bơ. Bộ Nông Nghiệp và PTNT.
[4] Sở Nông Nghiệp và PTNT tỉnh Lâm Đồng. Quy trình kỹ thuật canh tác cây bơ ghép.
[5] Hội nông dân tỉnh Hà Giang (2021). Giải pháp để “Hoàng hậu” trái cây chiếm lĩnh thị trường hơn 20 tỷ USD.
[6] Shop vật tư nông nghiệp (2020). Giá trị kinh tế của cây bơ.