Banner

Tổng quan về cây bưởi

Kích thước chữ

Bưởi là loại cây ăn quả thuộc chi cam chanh có nguồn gốc từ Đông Nam Á, được coi là một đặc sản quý do nó mang lại giá trị dinh dưỡng cao và tác dụng tốt đối với sức khỏe của con người. Ngày nay, bưởi được trồng rộng rãi trên nhiều tỉnh thành ở nước ta, mỗi tỉnh có một giống bưởi đặc trưng riêng. Màu sắc, kích thước và hương vị của từng giống có sự khác nhau nhất định.

Giới thiệu chung về cây bưởi

Tên thường gọi: Bưởi

Tên khoa học: Citrus maxima hoặc Citrus grandis

  • Đặc điểm sinh vật học

- Thân: Cây bưởi có chiều cao trung bình khoảng 3-4m, tán cây rộng; vỏ thân có màu vàng nhạt, thường có nhiều kẽ nứt trên bề mặt, đôi khi có nhựa chảy ra.

- Cành: Cây có nhiều cành, cành non có gai dài nhọn, cành già gai khô gãy dần.

- Lá: Lá bưởi dài từ 10-12cm, rộng 5-6cm, gân lá hình mạng, phiến lá hình trứng, hai đầu tù, cuống có dìa cánh to.

- Hoa: Hoa thuộc loại hoa kép, mọc thành chùm từ 6-10 bông

- Quả: Có dạng hình cầu,to, vỏ dày, tùy vào từng giống mà quả bưởi có màu sắc khác nhau.

- Hạt: Có màu trắng vàng, hình dạng không nhất định, trung bình mỗi múi bưởi có từ 2-5 hạt [1].

Điều kiện sinh trưởng của cây bưởi

Nhiệt độ

  • Hầu hết các giống bưởi đều ưa thích khí hậu nhiệt đới, hằng năm nhiệt độ bình quân trên 20 độ C.
  • Vào mùa hè nhiệt độ thích hợp để cây sinh trưởng phát triển trung bình từ 23-29 độ C, mùa đông từ 15-18 độ C.
  • Nếu nhiệt độ trên 40 độ C hoặc dưới 12 độ C thì cây ngừng sinh trưởng. 

Ánh sáng

  • Trong các loại cây có múi thì bưởi là loại cây ưa sáng nhất, tuy nhiên nó cũng có một chế độ ánh sáng nhất định.
  • Ánh sáng thích hợp nhất cho cây sinh trưởng phát triển là ánh sáng tán xạ với cường độ từ 10.000-15.000lux ứng với 0,6 calor/m2

Nước và độ ẩm

  • Rễ bưởi thuộc loại rễ nấm (hút dinh dưỡng qua hệ nấm cộng sinh) nên chịu úng rất kém, nếu như vườn bị ngập úng lâu ngày sẽ làm thối rễ.
  • Bưởi được trồng ở điều kiện đầy đủ độ ẩm thì quả sẽ đậu nhiều, quả to, chất lượng quả cao.
  • Trung bình lượng nước mà cây cần cho sự sinh trưởng phát triển là từ 1600-1800mm, các thời kỳ mà cây cần nhiều nước là: Thời kỳ bật mầm, thời kỳ phân hóa mầm hoa và thời kỳ ra hoa tạo quả. 

Chất dinh dưỡng

  • Hàm lượng các chất dinh dưỡng N, P, K, Ca, Mg,... đạt một khoảng nhất định, cụ thể: N là 0,1-0,15%; P2O5 là 5-7mg/100g đất; K2O là 7-10mg/100g đất; Ca, Mg là 3-4mg/100g đất [2].

Hiệu quả kinh tế của cây bưởi

  • Theo Hiệp hội Rau quả Việt Nam, giá trị thương mại toàn cầu của bưởi ước tính khoảng 1,1 - 1,2 tỷ USD/năm. Năm 2015, giá trị xuất khẩu bưởi tươi ở nước ta đạt từ 1,195 triệu USD, năm 2019 đạt 4,827 triệu USD và dự kiến sẽ càng tăng trong các năm tới [3]. 
  • Theo thống kê của Cục trồng trọt, hiện nay nước ta có 105.400 ha trồng bưởi, sản lượng gần 950.000 tấn [4].

Trong đó:

- Đồng bằng sông Hồng có gần 13.000 ha với sản lượng trên 170.000 tấn.

- Vùng Trung du miền núi phía Bắc có hơn 30.000 ha với sản lượng 220.000 tấn.

- Vùng Đồng bằng sông Cửu Long có khoảng 32.000 ha với sản lượng khoảng 340.000 tấn. 

 

Tài liệu tham khảo

[1] KS. Hồ Đình Hải (2014). Cây bưởi

[2] TS. Ngô Hồng Bình và cộng sự. (2008), Kỹ thuật trồng bưởi, bảo quản và chế biến, Nhà xuất bản Nông nghiệp, Hà Nội.

[3] Ngọc Ánh (2020). Bưởi Việt rộng đường xuất ngoại.

[4] Hồng Châu (2021). Bưởi Việt Nam sắp xuất chính ngạch sang Mỹ.