Hiện nay, rất nhiều giống ca cao được du nhập và canh tác ở Việt Nam. Tuy nhiên, để vườn đạt năng suất cao và cho thu hoạch nhanh, bà con cần chọn lựa những giống ca cao phù hợp với điều kiện môi trường địa phương, mục đích canh tác và nhu cầu của thị trường để tiến hành gieo trồng. 

Hướng dẫn chi tiết cách chọn giống cacao cho năng suất cao

Các loại giống có trên thị trường hiện nay 

Dưới đây là một số giống ca cao được trồng phổ biến ở nước ta: 

Giống ca cao Forastero 

Cacao Forastero
Giống cacao Forastero
  • Forastero là giống ca cao được trồng phổ biến và có khả năng chống chịu sâu bệnh tốt, năng suất cao. 
  • Tuy nhiên, trái của giống này thường có màu vàng, hạt dẹt, ít mùi thơm và bị đánh giá là kém chất lượng hơn so với những loại ca cao khác [1],[2]. 

Giống ca cao Criollo

Cacao Criollo
Giống cacao Criollo
  • Đây là giống ca cao có nguồn gốc từ Châu Mỹ, cho năng suất thấp và dễ bị mắc các loài sâu bệnh hại. 
  • Ngoài ra, giống ca cao này có diện tích canh tác ít nhất trên thế giới (chỉ chiếm khoảng 5% trong tổng số diện tích trồng ca cao). Tuy nhiên, hạt của giống này được đánh giá là có hương vị thơm ngon và tốt nhất so với những giống ca cao khác [1],[2]. 

Giống ca cao Trinitario 

Cacao Trinitario
Giống cacao Trinitario
  • Đây là giống ca cao được lai tạo giữ Criollo và Forastero, chúng có khả năng kháng sâu bệnh khá, năng sất trung bình và hương vị thơm ngon. 
  • Hạt ca cao Trinitario được xem là hạt có chất lượng cao và thường được sử dụng để làm chocolate [1],[2]. 

Kỹ thuật chọn gốc ghép ca cao 

Để cây ghép có khả năng sinh trưởng tốt và cho năng suất cao, bà con cần lưu ý một số đặc điểm dưới đây trong quá trình lựa chọn gốc ghép cho cây ca cao: 

  • Hạt được chọn làm gốc ghép nên được lấy ở những quả vừa chín, có hạt to và mẩy để dễ nảy mầm. 
  • Gốc ghép phải đạt từ 8 – 12 tuần tuổi, cao trên 15cm là có thể tiến hành ghép cây [3]. 
  • Gốc ghép cần có bộ rễ sinh trưởng khỏe mạnh, phân tán đều. 
  • Không mắc các loại sâu bệnh hại và có sức sinh trưởng tốt. 
  • Ngoài ra, gốc ghép cần thích ứng tốt với điều kiện khí hậu của địa phương. 

Kỹ thuật chọn cành ghép ca cao 

  • Cành ghép cần được lấy từ những cây lai đã xác định và giữ được đặc tính của cây mẹ. 
  • Cành ghép khỏe mạnh, không mắc các loại sâu bệnh hại (đặc biệt là bệnh do nấm Phytophthora). 
  • Kích cỡ của cành ghép cần tương đương với gốc ghép. 

Lưu ý: Cành ghép nên có ít nhất một mắt ngủ để có thể phát triển thành chồi. 

Kỹ thuật chọn mắt ghép ca cao 

  • Mắt ghép phải được lấy từ những cây lai đã được xác định. 
  • Chọn từ những cây nhiều quả, quả to, hạt mẩy và ít sâu bệnh (đặc biệt là bệnh Phytophthora). 
  • Lấy mắt ở những cành khỏe mạnh, lá đã thành thục và có đường kính khoảng 0,5 – 0,8cm [3]. 

 

Tài liệu tham khảo 

[1] Cty TNHH ca cao Trọng Đức, “Bạn biết gì về quả ca cao Việt Nam?”. 

[2] Vinacacao (2022), “Phân biệt các giống ca cao hiện nay”. 

[3] KS. Nguyễn Mạnh Chinh và TS. Nguyễn Đăng Nghĩa (2007), Trồng - chăm sóc & phòng trừ sâu bệnh Cà phê - Ca cao, NXB Nông Nghiệp Tp.HCM.