Cacao là ngành công nghiệp non trẻ và đang phát triển sôi nổi trở lại ở thị trường Việt Nam những năm gần đây. Quả ca cao có thể chế biến thành nhiều loại sản phẩm có giá trị kinh tế cao như: Chocolate, rượu, bột ca cao,… Ngoài ra, nhu cầu tiêu thụ ca cao trên thế giới ngày càng tăng, đầu ra càng thuận lợi, dẫn đến diện tích ca cao liên tục được mở rộng
Giới thiệu chung về cây cacao
Tên thường gọi: Cây ca cao
Tên khoa học: Theobroma cacao L. thuộc họ Trôm (Sterculiaceae)
Cacao là cây công nghiệp nhiệt đới thuộc họ Sterculiaceae có nguồn gốc từ Trung và Nam Mỹ. Đây là loại cây có giá trị kinh tế cao và được trồng phổ biến ở khắp mọi miền Việt Nam, nhiều nhất là ở tỉnh Đắk Lắk. Bà con có thể nhận biết cây ca cao thông quan một số đặc điểm dưới đây [1],[2],[3]:
- Thân: Cacao là cây thân gỗ ưa bóng râm, cành khằng khiu, có vỏ màu nâu sần sùi và nhiều u bướu. Cây trưởng thành có chiều cao trung bình là 8m, đường kính khoảng 20cm.
- Lá: Hình bầu dục, to dài, có màu xanh lục khi còn non và chuyển sang màu xanh đậm khi về già.
- Hoa: Hoa cacao màu trắng hồng và có kích thước nhỏ, mọc theo chùm từ thân cây hoặc các cành lớn. Cây thường ra hoa hai vụ mỗi năm hoặc có thể nở quanh năm nếu sử dụng thuốc kích thích ra hoa.
- Trái: Có hình bầu dục, dài, đáy hơi nhọn, vỏ quả khi còn non có màu hồng và chuyển sang màu đỏ lúc chín. Trên bề mặt vỏ quả có nhiều rãnh dọc theo chiều dài quả, bên trong chứa khoảng 30 – 40 hạt cacao.
- Hạt: Màu nâu bóng và nhiều đường gân, được bao bọc bởi lớp vỏ mỏng, có màu hồng. Ngoài ra, hạt còn được bao phủ bởi một lớp cơm nhầy có vị chua, ngọt, thơm và thường xếp thành 5 dãy ngay ngắn bên trong ruột trái.
Điều kiện sinh trưởng của cây cacao
Nhiệt độ
- Cacao là cây công nghiệp nhiệt đới nên sinh trưởng và phát triển ở những nơi có khí hậu nóng ẩm, nhiệt độ tối thiểu từ 18 – 20 độ C và tối đa từ 30 – 32 độ C.
- Tuy nhiên, nhiệt độ bình quân mỗi năm tối ưu cho sự sinh trưởng của cây nằm trong ngưỡng từ 25 – 27 độ C [4],[5].
Ánh sáng
- Cacao là loại cây ưa ánh sáng tán xạ và cần được che bóng ngay từ khi mới trồng. Cường độ ánh sáng thích hợp cho cây dao động trong khoảng 50 – 60% ánh sáng tự nhiên.
- Ở điều kiện cường độ chiếu sáng quá mạnh mẽ sẽ gây ảnh hưởng đến sự phát triển của chồi ngọn, làm chúng không vươn lên cao được và khiến chồi nách phát triển nhiều. Ngược lại, năng suất cây sẽ giảm vì quá trình quang hợp bị ảnh hưởng và tạo điều kiện cho sâu bệnh phát triển nhiều [4],[5].
Nước
- Lượng mưa hằng năm là yếu tố quan trọng nhất đối với sự sinh trưởng và năng suất của cây.
- Lượng mưa trung bình hàng năm lý tưởng của cacao dao động từ 1.500 - 2.000mm/năm. Ngoài ra, ở mùa khô cây có thể chịu được lượng mưa dưới 100mm/tháng, tuy nhiên, tình trạng này không nên kéo dài quá 3 tháng [4],[5].
Đất trồng
- Cây cacao có thể trồng được trên nhiều nền đất khác nhau như: Đất đỏ, đất xám, đất phù sa cổ hoặc các loại đất có thành phần cơ giới từ nặng đến nhẹ.
- Tuy nhiên, độ pH thích hợp để canh tác cacao dao động từ 4,5 – 6,5 ( tốt nhất là 6 – 6,5).
- Ngoài ra, tầng đất trồng cacao cần có độ sâu từ 1 – 1,5m và giữ nước tốt [4],[5].
Hiệu quả kinh tế của cây cacao
- Cacao là loại cây trồng mang lại giá trị kinh tế cao, có thể trồng xen canh dưới tán tiêu, điều để tăng thêm thu nhập, cải thiện cuộc sống cho bà con nông dân.
- Không những thế, giá cacao thường dao động bình ổn trong khoảng 65.000 - 70.000đ/kg đối với hạt khô và từ 6.000đ đối với hạt tươi từ năm 2017 đến nay [6].
Tài liệu tham khảo
[1] Phòng NN & PTNT Đạ Hoai (2009), “Quy trình kỹ thuật trồng cacao trên địa bàn huyện Đạ Hoai”, web en.hcmuaf.edu.vn.
[2] Kim Chung (2021), “Cây cacao”, web Canh Điền.
[3] Trung tâm Khuyến nông tỉnh Bình Thuận (2009), “Kỹ thuật trồng cacao”.
[4] GS. Nguyễn Văn Uyển (1999), Hướng dẫn kỹ thuật trồng cây cacao, NXB Nông Nghiệp TP.HCM.
[5] Nguyễn Văn Tốt và Phan Thị Lài (2005), Trồng cây trong trang trại chuối - cacao, NXB Lao Động Hà Nội.
[6] ThS. NCS. Bùi Thanh Giang (2020), “Tổng quan về ngành Cacao Việt Nam”, Tạp chí Công Thương.