Đối với cây ca cao, hạt thu được từ các cây lai không thể sử dụng để làm giống vì chúng đều là kết quả của quá trình thụ phấn tự do. Vì vậy, để có vườn ca cao tốt, năng suất cao, bà con thường sử dụng các phương pháp nhân giống vô tính như: Ghép, giâm hom (cành),…
Kỹ thuật nhân giống ca cao bằng phương pháp ghép
Các bước ghép áp cành ca cao
Ca cao là một cây dễ ghép, có thể thực hiện ghép sớm trên cây con hoặc ghép cải tạo đối với cây trưởng thành, kể cả là với những cây đã già cỗi. Bà con có thể tham khảo các bước ghép cành ca cao dưới đây:
Bước 1: Xử lý gốc ghép, cành ghép
- Gốc ghép: Dùng dao ghép rạch và lật lớp vỏ trên thân cây một đoạn hình chữ nhật có chiều rộng từ 1,5 – 2cm, dài khoảng 3 – 4cm.
- Cành ghép: Đối với mặt cành áp vào gốc ghép, chiều dài vết vát dao động từ 2,5 – 3cm, mặt còn lại có vết vát ngắn hơn (dài khoảng 1 – 1,5cm).
Bước 2: Ghép cành
- Áp cành ghép và gốc ghép lại với nhau sao cho khít.
Bước 3: Quấn dây
- Sau khi áp cành và gốc ghép lại với nhau, tiến hành dùng băng keo hoặc dây nilon chuyên dụng để cố định chúng lại với nhau.
- Khoảng 10 – 15 ngày sau ghép, tiến hành tháo bỏ dây buộc và cắt bỏ phần trên của gốc ghép để tập trung nuôi mầm ghép.
Lưu ý: Nên quân dây theo chiều từ dưới lên trên và quấn kín vết ghép để hạn chế nước mưa, nấm khuẩn xâm nhập gây hại cây ca cao.
Ưu, nhược điểm của phương pháp ghép cành
Ưu điểm:
- Cây ghép vẫn giữ được đặc tính của cây mẹ.
- Tận dụng được ưu thế của gốc ghép.
- Thời gian cho thu hoạch nhanh.
- Hệ số nhân giống cao, trong thời gian ngắn có thể sản xuất ra nhiều cây giống đáp ứng nhu cầu cung cấp giống cho thị trường.
Nhược điểm:
- Đòi hỏi tay nghề cao.
- Các bệnh truyền nhiễm trên cây mẹ có thể lây sang cây con.
- Chu kỳ khai thác ngắn, cây nhanh già cỗi.
- Có khả năng dẫn đến thoái hóa giống.
Kỹ thuật nhân giống ca cao bằng phương pháp giâm hom
Các bước giâm hom
Bước 1: Làm bể giâm hom
- Rải 1 lớp đá dưới đáy bể, phía trên là cát, mùn cưa hoặc xơ dừa có độ dày khoảng 20cm. Ngoài ra, bể cần có mái che, kín gió, mát và ẩm [1].
Lưu ý: Bà con cũng có thể giâm hom trong thùng gỗ hoặc sọt tre,…
Bước 2: Cắt cành giâm
- Chọn cành non hoặc bánh tẻ đã thành thục nhưng vỏ vẫn còn xanh, có từ 2 – 6 lá. Sau đó, dùng dao sắc cắt cành, tránh làm hom bị dập nát và xây xát [1].
Bước 3: Giâm hom cành vào bể
- Cắm hom vào bể, nén chặt đất và tưới nước ngay (đất nền nên có độ ẩm từ 80 – 85%) [4].
Ưu, nhược điểm của phương pháp giâm hom
Ưu điểm:
- Tỷ lệ sống cao
- Cây con có khả năng sinh trưởng mạnh
- Cho thu hoạch sớm
Nhược điểm:
- Giống mau thoái hóa và già cỗi.
- Năng suất và chất lượng suy giảm qua từng mùa vụ.
Tài liệu tham khảo
[1] KS. Nguyễn Mạnh Chinh và TS. Nguyễn Đăng Nghĩa (2007), Trồng - chăm sóc & phòng trừ sâu bệnh Cà phê - Ca cao, NXB Nông Nghiệp Tp.HCM.
[2] GS. Nguyễn Văn Uyển (1999), Hướng dẫn kỹ thuật trồng cây ca cao, NXB Nông Nghiệp TP.HCM.
[3] Nông Dân (2018), “Hướng dẫn kỹ thuật ghép cây ca cao”, web nongnghiepvui.com.
[4] Trung tâm Thông tin, thống kê KH &CN thành phố Hải Phòng, “Kỹ thuật giâm cành”.