Cây ổi có khả năng thích nghi tốt với điều kiện khí hậu đất đai ở nước ta. Hiện nay, trên thị trường có rất nhiều giống ổi với phẩm chất, hình dạng khác nhau.Tùy vào mục đích kinh tế mà bà con có thể lựa giống ổi phù hợp.
Một số kỹ thuật chọn giống ổi năng suất cao
Các giống ổi phổ biến hiện nay
Ổi Đài Loan
Giống ổi này sinh trưởng khá mạnh, tỉ lệ đậu quả và năng suất khá cao. Quả hình cầu, vỏ láng, thịt màu trắng, giòn, hạt cứng. Tỷ lệ thịt quả < 74%.
Ổi Đài Loan cho thu hoạch ổn định sau 2 năm trồng, năng suất có thể đạt từ 15 - 35kg/ cây/ năm nếu được chăm sóc tốt. [2]
Ổi ruột hồng da láng
Cây sinh trưởng mạnh, tỉ lệ đậu quả tương đối cao. Quả của giống ổi ruột hồng có dạng quả lê, vỏ láng, thịt quả màu hồng đỏ, cứng, giòn. Tỷ lệ thịt quả < 69%.
Năng suất của giống ổi ruột hồng dao động từ 20 - 30kg/năm [1].
Ổi xá lỵ nghệ
Cây sinh trưởng khỏe, tỉ lệ đậu quả và năng suất cao. Quả có hình quả lê, vỏ khá sần, thịt màu trắng, giòn, hạt cứng. Tỷ lệ thịt quả < 77%.
Nếu được chăm sóc tốt, vườn cây 2 - 4 năm tuổi có thể cho năng suất từ 20 - 60 tấn/ ha/ năm và 70 - 80 tấn/ ha/ năm đối với vườn trên 5 năm tuổi [1].
Ổi không hạt Thái Lan
Cây sinh trưởng mạnh, quả thuôn dài, vỏ láng, có màu trắng đến xanh nhạt; thịt quả màu trắng kem, chắc, giòn. Tỷ lệ thịt quả > 90%.
Nếu được chăm sóc tốt, năng suất quả ở năm thứ 3 có thể đạt 35 - 40kg/ năm [1].
Kỹ thuật chọn cành chiết
Chọn cành bánh tẻ, nằm giữa tán, dài 0,5m, có 1 - 2 cành ngọn. Đường kính cành chiết cành chiết khoảng 0,5 cm và có từ 4 - 5 cặp lá tốt [2].
Cây mẹ chứa cành chiết là cây khỏe mạnh, sinh trưởng phát triển tốt, ít nhiễm sâu bệnh gây hại, đang trong giai đoạn cho quả (từ 3 - 5 năm tuổi), quả sai, ổn định, chất lượng cao [2].
Lưu ý: Cây giống sẽ chậm hoặc kém ra hoa nếu sử dụng cành chiết là những cành trên ngọn, nằm sát mặt đất hoặc những cành vượt phía trong tán
Kỹ thuật chọn cành ghép
Cành ghép là những cành bánh tẻ, có đường kính dao động từ 0,8 -1cm.
Cây chứa cành ghép là cây cho năng suất cao, phẩm chất quả tốt, ít nhiễm sâu bệnh và được thị trường ưa chuộng.
Kỹ thuật chọn mắt ghép
Mắt ghép được lấy từ những cành bánh tẻ, đường kính cành từ 10 -12mm [3].
Cây chứa mắt ghép là những cây tốt, sung sức, cho năng suất cao và ít nhiễm sâu bệnh hại.
Kỹ thuật chọn gốc ghép
Gốc ghép mắt là những giống địa phương, được trồng từ hạt, chiều cao cây đạt khoảng 70 - 80cm, đường kính đạt 6 - 10mm là có thể ghép được [4].
Giống cây làm gốc ghép là những giống có bộ rễ khỏe, phù hợp với điều kiện khí hậu, đất đai của địa phương.
Tài liệu tham khảo
[1] Nguyễn Tiến Huyền và ctv, Giáo trình trồng và chăm sóc cây ổi. Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, trang 7 - 11.
[2] Trần Viết Mỹ, Cẩm nang quy trình kỹ thuật chăm sóc một số cây ăn trái và hướng dẫn lập kế hoạch sản xuất trong nông hộ, tổ, nhóm nông dân. Sở Nông nghiệp và PTNT thành phố Hồ Chí Minh, trang 28 - 29.
[3] Hoàng Ngọc Thuận, Nhân giống vô tính cây ăn quả. NXB Nông Nghiệp, trang 85.