Dâu tây là một trong những loại cây ăn quả được ưa chuộng bởi hương vị thơm ngon, giàu vitamin C và là nguồn cung cấp flavonoid phong phú cho cơ thể con người. Với tiềm lực kinh tế lớn và giá thành cao, việc canh tác dâu tây đang ngày càng được chú trọng và đầu tư. Tuy nhiên, để đạt được năng suất và phẩm chất cao bà con cần biết tổng quan về cây dâu tây. Cùng với Bác Sĩ Cây Xanh tìm hiểu về một số đặc điểm của cây dâu tây ở bài viết dưới đây nhé. 

Giới thiệu chung về đặc điểm của cây dâu tây

Tên thường gọi: Dâu tây, dâu đất

Tên khoa học: Fragaria vesca L. thuộc họ Hoa hồng Rosaceae

Dâu tây hay còn gọi dâu đất là cây thân thảo lâu năm thuộc họ Hoa hồng (Rosaceae) có nguồn gốc từ châu Mỹ. Có thể nhận diện cây dâu tây thông qua các đặc điểm sau đây [1]:

  • Thân: Cây có thân ngắn, có chồi mọc từ nách lá và phát triển thành thân nhánh, thân bò hoặc phát hoa.
  • Lá: Hầu hết các giống dâu tây có lá kép với 3 lá chét (một số giống khác có 4 hoặc 5 lá chét), mép lá có răng cưa, cuống lá dài và thường có màu trắng khi lá còn non và chuyển sang màu đỏ đất khi lá già.
  • Hoa: Dâu tây có hoa lưỡng tính, mỗi nhánh có một hoa. Hoa có 5 cánh tràng mỏng, màu trắng và hơi tròn. 
  • Quả: Dâu tây là loại quả giả do đế hoa phình to, quả thật nằm bên ngoài quả . Tổng thể quả có hình bầu dục, khi còn non có màu xanh lục, khi quả chín thường có màu hồng hoặc màu đỏ tùy theo từng giống.
  • Rễ: Thuộc loại rễ chùm, phát triển ở độ sâu cách mặt đất khoảng 30cm.

dac-diem-cay-day-tay

Điều kiện sinh trưởng của cây dâu tây

Nhiệt độ

  • Dâu tây là cây trồng đặc trưng của xứ lạnh và thường được trồng phổ biến ở vùng ôn đới và á nhiệt đới.
  • Nhiệt độ thích hợp cho sự sinh trưởng và phát triển của cây dao động từ 18 - 22oC [1].
  • Ở thời kỳ phân hóa chồi non và hoa, nhiệt độ thuận lợi cho sự phát dục của cây từ 15 - 24oC [2].
  • Nhiệt độ thích hợp cho thời kỳ chín của trái là 15 -22oC.

Ánh sáng

  • Dâu tây cần nhiều ánh sáng để sinh trưởng, phát triển và tạo quả.
  • Thời gian chiếu sáng lý tưởng cho cây dâu tây là khoảng 10 giờ/ngày và ít nhất là 6 giờ chiếu sáng trực tiếp mỗi ngày để cây có thể phát triển tốt [3].

Độ ẩm

  • Độ ẩm cần thiết để cây sinh trưởng và phát triển tốt là khoảng 84%. Nếu ẩm độ không khí quá cao và có mưa kéo dài cây sẽ dễ bị bệnh, thậm chí là chết.

Đất và dinh dưỡng

  • Dâu tây thích hợp nhất khi trồng trên đất thịt nhẹ, có hàm lượng chất hữu cơ cao, giữ ẩm và thoát nước tốt.
  • Đất có hàm lượng dinh dưỡng cao sẽ giúp cây phát triển tốt, đạt năng suất cao và kéo dài được thời gian thu hoạch quả [1].

Vòng đời cây dâu tây

Dâu tây là một loại cây lâu năm, dưới đây là các giai đoạn chính trong vòng đời của cây dâu tây:

1. Giai Đoạn Gieo Hạt Hoặc Nhân Giống

  • Gieo hạt: Dâu tây có thể được trồng từ hạt giống, nhưng phương pháp này thường mất nhiều thời gian hơn.

  • Nhân giống bằng rễ con: Phương pháp phổ biến hơn là nhân giống từ cây con hoặc rễ con. Đây là cách nhanh chóng và đảm bảo cây phát triển tốt.

2. Giai Đoạn Sinh Trưởng

  • Mọc mầm: Sau khi gieo hạt hoặc trồng cây con, cây dâu tây sẽ mọc mầm và phát triển thành cây con.

  • Phát triển lá và rễ: Trong giai đoạn này, cây sẽ tập trung vào việc phát triển bộ rễ mạnh mẽ và bộ lá xanh tốt. Đây là giai đoạn quan trọng để cây dâu tây tích lũy năng lượng cho việc ra hoa và đậu quả sau này.

3. Giai Đoạn Ra Hoa

  • Ra hoa: Khi cây đã phát triển đầy đủ, cây sẽ bắt đầu ra hoa. Hoa dâu tây thường có màu trắng hoặc hồng nhạt, và đây là giai đoạn quyết định để cây bắt đầu quá trình thụ phấn.

  • Thụ phấn: Hoa dâu tây cần được thụ phấn để tạo ra quả. Quá trình thụ phấn có thể nhờ vào gió hoặc côn trùng như ong.

4. Giai Đoạn Đậu Quả

  • Hình thành quả: Sau khi thụ phấn, quả dâu tây bắt đầu hình thành và phát triển. Quả sẽ dần dần chuyển từ màu xanh sang màu đỏ mọng khi chín.

  • Chín quả: Quả dâu tây chín sẽ có màu đỏ tươi, ngọt và có hương thơm đặc trưng. Đây là thời điểm để thu hoạch.

5. Giai Đoạn Thu Hoạch

  • Thu hoạch: Khi quả dâu tây chín đều, người trồng sẽ thu hoạch quả để tiêu thụ hoặc bán ra thị trường.

  • Chăm sóc sau thu hoạch: Sau khi thu hoạch, cần tiếp tục chăm sóc cây để chuẩn bị cho chu kỳ ra quả tiếp theo. Cắt tỉa lá cũ, bón phân và tưới nước đều đặn là những việc cần thiết để duy trì sự phát triển của cây.

6. Chu Kỳ Phát Triển Tiếp Theo

  • Lặp lại: Cây dâu tây là loại cây lâu năm, nên sau mỗi lần thu hoạch, cây sẽ tiếp tục phát triển và lặp lại chu kỳ ra hoa, đậu quả và thu hoạch trong nhiều năm nếu được chăm sóc đúng cách.

Hiệu quả kinh tế của cây dâu tây

Hiệu quả kinh tế của dâu tây
Hiệu quả kinh tế từ việc trồng dâu tây
  • Dâu tây là loại cây trồng có tiềm lực phát triển mạnh, mang lại kinh tế cao và góp phần nâng cao đời sống của bà con nông dân.
  • Với năng suất trung bình mỗi ngày thu được từ 10 - 15kg trên 1000m2, giá bán dao động từ 100.000 - 200.000 đồng, thu nhập của bà con có thể rơi vào khoảng 15 - 20 triệu đồng mỗi tháng [4].

Tài liệu tham khảo

[1] Trung tâm Khuyến nông Lâm Đồng, “Quy trình kỹ thuật trồng cây dâu tây”, Sở NN & PTNT tỉnh Lâm Đồng.

[2] Trung tâm Khuyến nông tỉnh Lâm Đồng, “ Quy trình tạm thời kỹ thuật canh tác cây dâu tây ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng “, Sở Nông nghiệp & PTNT tỉnh Lâm Đồng.

[3] Emily E.Hoover et al. (2018), “Growing strawberries in the home garden“, University of Minnesota Extension.

[4] Thu Hằng, “Dâu tây - Cây trồng mới mang lại hiệu quả kinh tế cao tại Đơn Dương“, Trung tâm Khuyến nông Lâm Đồng.

Xem thêm Kỹ thuật trồng dâu tây

Kỹ thuật chọn giống dâu tây

Kỹ thuật làm đất trồng dâu tây