Đối với dưa hấu nói riêng và tất cả các loại cây trồng nói chung, để cây có thể sinh trưởng khỏe mạnh, hạn chế nấm bệnh, cho năng suất cao thì kỹ thuật gieo trồng là vô cùng quan trọng.
Kỹ thuật lên luống trồng dưa hấu
Kỹ thuật lên luống

- Dưa hấu có thể trồng trên hàng đôi hoặc hàng đơn. Luống trồng dưa có hình muôi, được lên theo hướng Đông - Tây để cây nhận được nhiều ánh sáng nhất [1].
- Luống đơn rộng 2,5 - 3m (cây trồng 1 bên), luống đôi rộng 4,5 - 6m (cây trồng hai bên), rãnh rộng 30 - 40cm, sâu 25cm [1], [2].
Lưu ý: Đối với đất ruộng, trong quá trình lên luống, bà con nên đào từng lớp mỏng từ 2 - 3cm để đất mau khô và dễ tơi ra (đất đào sẽ được đắp lên 2 bên thành luống).
Kỹ thuật phủ bạt

Kỹ thuật phủ bạt luống trồng dưa hấu
- Sau khi bón lót và lên luống thì tiến hành phủ màng nông nghiệp.
- Phủ bạt giúp hạn chế sâu bệnh, tiết kiệm được chi phí làm cỏ, đất được giữ ẩm, tránh xói mòn, rửa trôi phân bón khi mưa to, đất không bị đóng váng làm nghẹt rễ, hạn chế được một số sâu bệnh gây hại.
Các bước trải màng phủ
- Bước 1: Kéo căng màng trên mặt luống sao cho mép bạt được sát mép luống để tránh cỏ mọc.
- Bước 2: Ghim chặt màng phủ vào luống bằng dây thép, đồng thời dùng đất chặn mép và hai đầu, tránh để màng bị gió tốc lên.
- Bước 3: Đục lỗ tròn có đường kính 8 - 10cm, lỗ cách đầu luống 20 - 30cm bằng các dụng cụ tự chế hoặc mua ở các cửa hàng nông nghiệp [3]. Đây là lỗ để đặt cây giống, khoảng cách thích hợp là 2,5 - 3m x 0,5m (hàng cách hàng 2,5 - 3m; cây cách cây 0,5m)
Lưu ý: Màng phủ nông nghiệp có hai mặt là đen và bạc. Khi tiến hành phủ, nên lưu ý úp mặt màu đen xuống dưới, để mặt màu bạc ở trên.
Cách trồng dưa hấu từ hạt

Gieo hạt dưa hấu
- Lượng hạt giống dưa hấu cần cho 1ha là 0,4 - 1kg. Cần ngâm ủ cho hạt nảy mầm trước khi gieo.
Các bước gieo hạt [3]
- Bước 1: Tại mỗi lỗ của màng phủ, tiến hành đào hố sâu khoảng 10cm, sau đó bón phân hoai mục vào và phủ một lớp đất lên trên.
- Bước 2: Đặt hạt đã nứt nanh vào lỗ sâu khoảng 1cm. Mỗi lỗ gieo 1 hạt rồi phủ lên trên một lớp mỏng 2cm tro trấu, đất bột hoặc rơm ngắn.
- Bước 3: Tưới nước cho đất trồng, đảm bảo độ ẩm đất từ 65 - 70%.
Ưu nhược điểm của phương pháp gieo hạt
- Ưu điểm: Gieo hạt giúp rễ mọc sâu, cây sinh trưởng khỏe mạnh, không bị mất sức.
- Nhược điểm: Khó chăm sóc ở giai đoạn đầu, cây con dễ hư hỏng khi gặp mưa to, côn trùng gây hại, cây phát triển không đồng đều, khó thu hoạch.
Kỹ thuật trồng cây dưa hấu con

- Số lượng cây con cần cho 1ha là 9.000 - 11.000 cây [2].
- Ươm hạt dưa hấu được 6 - 7 ngày, vừa nhú 1 lá nhám thì có thể đưa ra đồng để trồng. Nên trồng cây dưa hấu khi trời mát, ít nắng để hạn chế việc cây bị mất sức do thoát hơi nước.
Các bước trồng cây con [1]
- Bước 1: Đào lỗ có kích thước 10x10cm sau đó bón một lớp phân lót + 1 lớp đất + 1 lớp tro trấu.
- Bước 2: Rạch túi bầu cẩn thận sau đó đặt cây vào lỗ và lấp đất lại. Nếu vỡ bầu, đứt rễ, cây phải mất thời gian và dinh dưỡng để tải tạo lại rễ, cây sinh trưởng chậm.
- Bước 3: Tưới nước cho cây sao cho độ ẩm đất dao động từ 65 - 70%.
- Lưu ý: Nếu trồng dưa đang còn trong mùa mưa, bà con nên đặt bầu cạn (bầu nổi) và chèn đất xung quanh gốc để hạn chế việc cây bị nghẹt rễ.
Ưu nhược điểm của phương pháp trồng cây con
- Ưu điểm:Thuận lợi cho việc chăm sóc cây con, cây sinh trưởng đồng đều, tiết kiệm được giống, có thời gian để làm đất kỹ hơn.
- Nhược điểm: Tốn công và chi phí làm bầu, bộ rễ không phát triển sâu như trồng bằng hạt.
||Xem thêm cách chăm sóc cây dưa hấu:
Chăm sóc dưa hấu giai đoạn cây con
Chăm sóc dưa hấu giai đoạn ra hoa
Tài liệu tham khảo
[1] Trần Thanh Sửu và ctv, 2017. Kỹ thuật trồng và chăm sóc cây dưa hấu, Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, trang 6 - 9.
[2] Phạm Hùng Cương, Phạm Văn Chương, Gordon Rogers, 2008. Dưa hấu VietGap, Agricultural Science Institute of Northern Central Vietnam, trang 7, 9.
[3] Quảng Nam, 2016. Bài giảng kỹ thuật sản xuất dưa hấu theo hướng VietGap, Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Quảng Nam, trang 54 - 57.