Tổng quan về cây dưa leo

Kích thước chữ

Dưa leo là cây ưa nhiệt, thuộc họ bầu bí, có nguồn gốc ở vùng nhiệt đới ẩm phía Nam châu Á. Ở nước ta, dưa leo (dưa chuột) được trồng từ rất lâu và thường xuất hiện trong bữa ăn hằng ngày của người Việt Nam. 

Giới thiệu chung về cây dưa leo

Tên thường gọi: Dưa leo, dưa chuột

Tên khoa học: Cucumis sativus L.

  • Dưa leo, hay còn gọi là dưa chuột, thuộc cây rau ăn quả ngắn ngày và có thời gian thu hoạch dài, liên tục. Tuy có thể trồng được quanh năm nhưng mùa vụ canh tác dưa leo thích hợp nhất rơi vào vụ đông và vụ xuân.
  • Bộ rễ của cây dưa leo rất yếu, chủ yếu phân bố ở tầng đất mặt 30-40cm. Thuộc họ thân thảo, thân dài, lá to, mọc đơn, có hình dạng giống hình tam giác. Hoa cái thường mọc ở nách lá riêng biệt hoặc mọc thành đôi, hoa đực mọc thành từng chùm từ 4-7 hoa.[1]

Điều kiện sinh trưởng của cây dưa leo

Nhiệt độ

  • Nhiệt độ thích hợp để dưa leo tăng trưởng và phát triển là từ 20 - 30oC, khi nhiệt độ cao hơn sẽ làm cây ngừng sinh trưởng.

  • Thời gian chiếu sáng phù hợp để cây dưa leo tăng trưởng và phát dục từ 10-12h/ ngày (Mai Văn Quyền,1995).

Độ ẩm

  • Cây dưa leo có nhu cầu về độ ẩm đất rất cao, thuộc loại cây chịu hạn kém. Độ ẩm đất thích hợp từ 80-90%, độ ẩm không khí từ 90-95%.

  • Khi thiếu nước, cây sinh trưởng kém và tích lũy chất cucurbitacin làm cho trái dưa leo trở nên đắng. Theo nghiên cứu, nếu trồng dưa leo trong mùa mưa, cây tăng trưởng tốt hơn mùa khô [2].

Đất và dinh dưỡng

  • Khu vực trồng dưa nên chọn khu vực đất cao, đất dễ thoát nước và chủ động được nguồn tưới. Vì bộ rễ của cây dưa leo khá yếu nên cây thích hợp với các loại đất như đất cát pha, đất thịt nhẹ, đất tơi xốp, có nhiều chất hữu cơ, tầng canh tác từ 20-30cm, độ pH từ 6,5 - 7,5 [3]. 

Hiệu quả kinh tế của cây dưa leo

  • Cây dưa leo là loại rau có diện tích dao động khoảng 10.000 ha và sản lượng bình quân khoảng 30.000 tấn (Theo Niên Giám thống kê, 2019). 
  • Theo ông Nguyễn Thanh Cường, Chủ tịch Hội Nông dân xã Yên Hóa cho biết, hiện nay, dưa chuột đang có giá từ 20.000-25.000đ/kg nên bà con rất phấn khởi, những hộ trồng dưa chuột đều có thu nhập khá cao, nhà trồng ít thì được 7 triệu đồng, nhà trồng nhiều sẽ được 30 triệu đồng [4].
  • Để trồng dưa leo thành công, bà con cần nắm vững kỹ thuật, bón phân cân đối, chủ động phòng, trừ sâu bệnh và gieo trồng với mật độ thích hợp. Từ thực tiễn cho thấy, đây là một mô hình có hiệu quả kinh tế cao.

 

Tài liệu tham khảo

[1] Sở NN & PTNT tỉnh Thanh Hóa (2015). Tài liệu tập huấn kỹ thuật ICM trên cây dưa chuột.  

[2] KS. Nguyễn Văn Tuyển (2012), Kỹ thuật trồng dưa leo, khổ qua, NXB Thanh niên, Hà Nội. 

[3] Sở NN & PTNT tỉnh Vĩnh Phúc, Quy trình sản xuất dưa chuột an toàn. 

[4] Báo Quảng Bình, "Hiệu quả từ cây dưa chuột".