Kỹ thuật ươm cây giống dưa lưới

Kích thước chữ

Ươm giống là bước đầu tiên và vô cùng quan trọng trong quá trình canh tác dưa lưới. Hạt được ươm đúng kỹ thuật sẽ nảy mầm mau, sinh trưởng tốt và tạo tiền đề cho sự phát triển của cây sau này.

Kỹ thuật xử lý hạt giống trước khi ươm

Tỷ lệ nảy mầm của dưa lưới được in trên bao bì hạt giống thường rơi vào khoảng >80%. Tuy nhiên, để đạt được tỷ lệ nảy mầm cao như thế chúng ta cần phải ươm hạt theo các bước sau [1].

  • Bước 1: Ngâm hạt

Để kích thích sự nảy mầm của hạt dưa lưới, chúng ta cần ngâm hạt trong nước có nhiệt độ từ 30 - 40oC (có thể pha nước dựa theo tỷ lệ 2 sôi : 3 lạnh).

  • Bước 2: Ủ hạt

Sau 4 - 6 tiếng, tiến hành vớt hạt và rải đều lên khăn ẩm rồi dùng túi nilon bọc kín lại và đặt vào chỗ tối để ngăn ánh sáng chiếu trực tiếp làm ảnh hưởng đến quá trình nảy mầm của hạt.

Lưu ý: Kiểm tra độ ẩm hạt thường xuyên, nếu quá khô cần tưới thêm nước để giữ ẩm cho hạt, tránh tưới quá nhiều, sẽ làm hạt bị úng, không thể nảy mầm được.

  • Bước 3: Gieo hạt

Thời gian nảy mầm của hạt dưa lưới rơi vào khoảng 2 - 3 ngày sau ủ, nếu quá thời gian này hạt vẫn chưa nảy mầm thì có thể đã bị hỏng và cần được loại bỏ.

Lưu ý: Tránh gieo hạt có mầm quá ngắn hoặc quá dài vì sẽ ảnh hưởng đến sức sống ban đầu của cây con.

Kỹ thuật ươm hạt vào bầu, khay ươm

Kỹ thuật ươm hạt vào khay ươm

Kỹ thuật ươm hạt dưa lưới vào khay
Kỹ thuật ươm hạt dưa lưới vào khay

Để ươm hạt vào khay ươm cần thực hiện các bước sau [2]:

  • Bước 1: Chuẩn bị dụng cụ, nguyên liệu

- Khay ươm: có thể sử dụng khay ươm bằng nhựa, xốp, số lỗ dao động từ 50 - 84 lỗ tùy theo nhu cầu sử dụng của bà con.

- Giá thể: sử dụng giá thể giữ ẩm, thoát nước tốt, đảm bảo độ thông thoáng. Có thể sử dụng mụn dừa hoặc tro trấu.

- Phân hữu cơ hoai mục hoặc phân hữu cơ sinh học.

  • Bước 2: Xử lý đất trước khi gieo hạt.

- Giá thể: Trộn mụn dừa + phân trùn quế với tỷ lệ 7:3.

- Sử dụng BS07- Trichoderma để tiêu diệt nấm bệnh có trong mụn dừa và phân trùn quế. Tiến hành pha 1kg BS07- Trichoderma với 200 - 400 lít nước, tưới ướt đẫm lên hỗn hợp giá thể.

  • Bước 3: Gieo hạt

- Sau khi hạt nứt nanh, tiến hành cho vào khay ươm. Dùng tay vùi lỗ sâu khoảng 1cm, mỗi lỗ cho 1 hạt dưa lưới, sau đó phủ một lớp giá thể mỏng lên trên mặt để giữ ẩm cho cây.

- Để cây ở nơi thoáng mát, có lưới chắn côn trùng. Tưới nước vừa đủ để đảm bảo độ ẩm cho hạt có thể nảy mầm và phát triển.

- Sau 7- 10 ngày, hạt sẽ phát triển thành cây con.

Kỹ thuật ươm hạt vào bầu

  • Ngoài việc ươm hạt vào khay cũng có thể sử dụng túi bầu để ươm hạt dưa lưới, có thể dùng các loại bầu nhựa có kích thước 5x10cm, 7x10cm và có đục lỗ thoát nước dưới đáy bầu.

  • Kỹ thuật ươm hạt vào bầu tương tự như ươm hạt trong khay ươm.

 

Tài liệu tham khảo

[1] Tài liệu mạng: Cách trồng dưa lưới năng suất cao.

[2] Trung tâm Khuyến nông Tp.HCM (2020), Cẩm nang: Trồng dưa lưới trong nhà màng [trang 14].