Kỹ thuật nhân giống cây hoa hồng

Kích thước chữ

Hoa hồng là cây dễ dàng nhân giống bằng phương pháp vô tính. Bà con nên dựa vào tập quán canh tác và kỹ thuật trồng để  lựa chọn cách nhân giống hoa hồng phù hợp. Bên dưới là kỹ thuật của 3 cách nhân giống cơ bản, dễ thực hiện bao gồm: chiết cành, giâm cành và ghép cây.

Kỹ thuật ghép cành cây hoa hồng

Ghép cành là phương pháp nhân giống hoa hồng chủ yếu ở nước ta. Ghép cành có già thành thấp, ít tốn kém và hệ số nhân cao. 

Các bước ghép cành hoa hồng

Các bước ghép cành hoa hồng; Ghép cành hoa hồng;
Các bước ghép cành hoa hồng
  • Bước 1: Xử lý gốc ghép

- Trên gốc ghép, cắt bỏ cành phụ và gai đoạn thân cách mặt đất từ 15 - 20cm. 

- Dùng dao cắt ngang gốc ghép cách mặt đất 20 - 25cm, sau đó chẻ dọc gốc theo chiều từ trên xuống dưới một đoạn dài 2 - 3cm [1].

  • Bước 2: Xử lý cành ghép

- Dùng dao vát một bên của gốc ghép với kích thước tương ứng phần vát ở gốc ghép.

Lưu ý: Vết cắt vát phải thật phẳng để cành ghép có thể tiếp xúc tốt với gốc ghép 

  • Bước 3: Ghép cành

- Áp gốc ghép và cành ghép lại với nhau sao cho phần vỏ của gốc ghép phải được tiếp xúc với phần vỏ của cành ghép.

  • Bước 4: Cố định phần ghép

- Dùng dây nilon chuyên dụng cố định vết ghép sau đó dùng bao nilon trùm cành ghép và mắt ghép lại để giảm sự thoát hơi nước.

Sau 2 - 3 tuần, mầm ghép từ cành ghép sẽ mọc ra.

Kỹ thuật giâm cành cây hoa hồng

Giâm cành là hình thức nhân giống hồng bằng cách cắm cành bánh tẻ, cành cứng vào đất hoặc giá thể. Có thể tiến hành giâm cành hoa hồng vào thời kỳ đầu mùa xuân, mùa thu mát mẻ giúp cho cây ra rễ nhanh và ổn định.

Các bước giâm cành hoa hồng; Cách giâm cành hoa hồng; Cách giâm cành hoa hồng nhanh ra rễ
Các bước giâm cành hoa hồng

Các bước giâm cành hoa hồng

  • Bước 1: Xử lý cành giâm

- Cắt vát cành giâm một góc 45 độ, dài 13 - 15cm và có độ to bằng chiếc đũa, mang từ 2 - 3 mắt khỏe, sau đó để ráo mủ [1].

Lưu ý: Khi cắt nên dùng dao sắc và mỏng để tránh làm dập vết cắt. Có thể nhúng cành giâm vào thuốc kích rễ để cành giâm nhanh ra rễ hơn.

  • Bước 2: Chuẩn bị đất hoặc giá thể giâm

- Đất giâm cành là đất cát pha, đất phù sa nhẹ, tơi xốp, thoáng khí và đã được xử lý nấm bệnh. Hoặc có thể dùng xơ dừa đã qua xử lý hoặc đất sạch để giâm cành hoa hồng. 

  • Bước 3: Giâm cành

- Cho xơ dừa vào chậu có lỗ thoát nước dưới đáy, dùng một cái que nhỏ bằng chiếc đũa nhấn sâu một lỗ khoảng 2cm rồi cắm cành hồng vừa cắt vào, cắm nghiêng hay cắm thẳng đều được. Khoảng cách giữa các cành trong chậu khoảng 4 - 5 cm.

  • Bước 4: Chăm sóc sau khi giâm

- Sau khi cắm hom, cần phải phun sương nước giữ ẩm, đồng thời dùng màng nilon che đậy để hạn chế sự thoát hơi nước và chống các tác động xấu từ bên ngoài.

- Sau 10 đến 15 ngày, cành hồng sẽ bắt đầu đâm ra những chồi non. Sau khoảng 25 - 35 ngày sau sẽ ra rễ. Khi rễ có màu vàng nhạt, khi nhổ lên có nhiều đất bột bám xung quanh rễ thì có thể đem trồng ra vườn [1].

- Giâm cành khoảng 2 tháng bà con có thể tách ra và tiến hành trồng.

Kỹ thuật chiết cành hoa hồng

Chiết cành hoa hồng là phương pháp nhân giống tạo cây con bằng cách tách rời cành ra khỏi cây hoa hồng mẹ. Khoảng thời gian lý tưởng nhất để chiết cành là vào mùa xuân (tháng 2 đến tháng 4) hoặc mùa thu mát mẻ (tháng 8 đến tháng 10).

Các bước chiết cành hoa hồng; Chiết cành hoa hồng bằng xơ dừa; Quy trình chiết cành hồng gồm mấy bước
Các bước chiết cành hoa hồng

Các bước chiết cành hoa hồng

  • Bước 1: Tạo khoanh

- Tính từ đầu ngọn về phía gốc khoảng 20cm, cắt ra một khoanh vỏ dài 1,5 - 2cm, sau đó bóc sạch vỏ kể cả lớp màng mỏng [1].

Lưu ý: Dùng dao cạo xung quanh phần thân gỗ sau khi bóc vỏ cho đến lúc lộ ra màu trắng là được.

  • Bước 2: Bọc bầu đất

- Nguyên liệu bó bầu là những chất xốp giữ ẩm như: rơm rạ mục, bèo khô hoặc mùn cưa, hoặc bùn ao đã được được xử lý,...

- Sau khi bóc sạch lớp vỏ 1 tuần, tạo bầu có hình thuôn dài, đưa vào chỗ khoanh của cành chiết sau đó buộc dây hai đầu và giữa bầu để đổ định bầu trên cành chiết [1].

  • Bước 3: Cắt cành chiết và chăm sóc cây

- Sau khi chiết khoảng  30 - 40 ngày, cây bắt đầu ra rễ. Khi rễ chuyển sang vàng và có nhiều rễ tơ, bà con có thể tiến hành chiết và đưa đi trồng [1].

- Cố định cây con mới trồng bằng các nẹp trong vòng 1 tháng đầu, tránh tác động của gió làm lung lay ảnh hưởng đến bộ rễ.

- Cắt bỏ lứa nụ đầu tiên để tập trung dinh dưỡng nuôi cây, kể từ lứa nụ thứ hai trở đi bạn có thể nuôi hoa bình thường.

 

Tài liệu tham khảo

[1] Đào Thanh Vân, Đặng Thị Tố Nga, 2007. Giáo trình cây hoa, NXB Nông Nghiệp Hà Nội, trang 31 - 36.