Tổng quan về cây hoa hồng

Kích thước chữ

Hoa hồng là loại hoa có thị trường tiêu thụ rộng lớn và được xem là nữ hoàng của các loại hoa. Tại Việt Nam, hoa hồng là loại hoa được trồng phổ biến nhất và có xu hướng phát triển mạnh. Ngoài phục vụ cho nhu cầu nội địa, hoa hồng còn được xuất khẩu sang các quốc gia khác, đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người trồng hoa.

Giới thiệu chung về cây hoa hồng

Tên thường gọi: Hoa hồng

Tên khoa học: Rosa sp. thuộc họ Hoa hồng (Rosaceae)

Hoa hồng được xem là một trong những loại hoa được ưa chuộng nhất trên thế giới. Hoa hồng có nhiều màu sắc, mùi hương khác nhau. Bên cạnh việc cắt cành trang trí, trồng hoa trong chậu, vườn tăng mỹ quan, hoa hồng còn là nguyên liệu cho ngành mỹ phẩm.

Ở Việt Nam, hoa hồng được nhập nội từ các nước Châu Âu (Hà Lan, Pháp), Trung Quốc vào Đà Lạt sau đó được trồng rộng khắp cả nước. 

Các đặc tính thực vật của hoa hồng [1]

  • Rễ: Có dạng rễ chùm, lan rộng và có nhiều rễ phụ.
  • Thân: Thân gỗ, cây bụi, có nhiều cành và gai.
  • Lá: Lá kép lông chim, mỗi lá kép có 3 - 5 hoặc 7 - 9 lá chét, trên lá chét có nhiều răng cưa nhỏ. Tùy vào giống mà lá sẽ có màu xanh đậm, nhạt hoặc hình dạng khác nhau.
  • Hoa: Hoa lưỡng tính, có nhiều màu sắc và kích thước khác nhau tùy theo giống.
  • Quả:  Có hình trái xoan.
  • Hạt:  Có lông, lớp vỏ hạt dày, khả năng nảy mầm của hạt kém.

Điều kiện sinh trưởng của cây hoa hồng

Đất

  • Hoa hồng thích hợp trồng trên đất nhiều mùn, tơi xốp, thoáng khí.
  • Đất trồng hoa hồng tốt nhất là đất đồi, có kết cấu viên, tầng đất canh tác trên 50cm [1].

Nhiệt độ

  • Nhiệt độ thích hợp để hoa hồng sinh trưởng và phát triển tốt dao động từ 18 - 25 độ C. Màu sắc hoa đẹp nhất ở nhiệt độ 18 độ C [1], [2].
  • Cây sinh trưởng chậm, nụ nở muộn, không đều, tuổi thọ hoa thấp khi nhiệt độ trên 35 độ C hoặc dưới 8 độ C.

Độ ẩm

  • Hoa hồng phù hợp với độ ẩm đất  dao động từ 60 - 70% và độ ẩm không khí 80 - 85%.
  • Nếu biết cách kiểm soát độ ẩm phù hợp có thể giúp độ dài cành tăng thêm trung bình 8,2% [2].

Ánh sáng

  • Hoa hồng là cây ưa sáng, nơi trồng tối thiểu phải có 8 giờ nắng chiếu, càng lớn yêu cầu về cường độ ánh sáng của cây càng cao.
  • Hoa có chất lượng tốt nhất khi cường độ chiếu sáng của cây dao động từ 40.000 - 60.000 lux [2].
  • Nếu thiếu ánh sáng, cây sẽ sinh trưởng kém, năng suất và chất lượng hoa thấp.

Hiệu quả kinh tế của cây hoa hồng

Hiệu quả kinh tế hoa hồng
Hoa hồng đem lại hiệu quả kinh tế cao

Ở nước ta, hoa hồng là loài hoa cắt cành chính (chiếm 40%) và được trồng phổ biến ở các tỉnh thuộc đồng bằng Sông Hồng (35%) và Đà Lạt (5%) [3].

Tính đến đầu năm 2022, giá của mỗi cành hồng đỏ dao động từ 8.000 - 10.000 đồng, đối với những hoa loại I, giá thành có thể lên đến 15.000 đồng/ cành.

Hoa hồng có giá trị xuất khẩu cao, đem lại nguồn lợi kinh tế lớn cho nhiều hộ gia đình ở các vùng:  Đà Lạt (Lâm Đồng), Mê Linh (Vĩnh Phúc), Sapa (Lào Cai),...

 

Tài liệu tham khảo

[1] Nguyễn Thị Kim Lý, Lê Đức Thảo, Nguyễn Xuân Linh, 2012. Kỹ thuật trồng và chăm sóc cây hoa hồng, NXB Nông Nghiệp Hà Nội, trang 6 - 9.

[2] Đào Thanh Vân, Đặng Thị Tố Nga, 2007. Giáo trình cây hoa, NXB Nông Nghiệp Hà Nội, trang 45.

[3] Phạm Thị Minh Tâm, Nguyễn Phạm Hồng Lan, 2017. Giáo trình hoa và cây kiểng, NXB Nông Nghiệp, trang 103.