Hiện nay trên thế giới có hơn 20.000 giống hồng khác nhau [1]. Mỗi giống hồng sẽ có màu sắc, hình dạng và khả năng thích nghi với các loại khí hậu, đất đai khác nhau. Chọn giống phù hợp cây sẽ sinh trưởng khỏe mạnh, ra hoa nhiều, đẹp, chất lượng tốt.

Các giống hoa hồng được phổ biến hiện nay

Hoa hồng nhung Pháp

Hoa hồng nhung Pháp
Hoa hồng nhung Pháp
  • Giống hồng đỏ nhung có nguồn gốc từ Pháp, có khả năng thích nghi với khí hậu miền Bắc nước ta và chiếm 80% diện tích trồng hồng ở nước ta. Hồng đỏ nhung là giống có giá bán cao nhất và là giống chủ lực của người trồng hoa.
  • Cây cao từ 1 - 1,1m, thân có nhiều gai nhỏ. Lá thuôn tròn, màu xanh đậm, răng cưa thưa và nông. Hoa ít và ra từng bông [1]

Hoa hồng phấn hồng

Hoa hồng phấn hồng
Hoa hồng phấn hồng
  • Hồng phấn hồng có nguồn gốc từ Trung Quốc, cao từ 1,2 - 1,4m, thân cây bé, ít cành tăm. Cây có bộ tán hẹp và thưa, thân tròn ngắn màu xanh nhạt, ít gai hoặc không có gai.
  • Lá hồng phấn hồng màu xanh đậm, thuôn dài, có răng cưa thưa và nông. Hoa kép, ít cánh, cánh có màu hồng phấn [1].

Hoa hồng trắng sứ

Hoa hồng trắng sứ
Hoa hồng trắng sứ
  • Giống hồng trắng sứ có nguồn gốc từ Mỹ, có thể trồng ở nhiều vùng khí hậu khác nhau. Cây cao trung bình 55 - 56cm, có khả năng phân cành cao, có nhiều cành tăm và gai nhọn.
  • Lá thuôn dài màu vàng, răng cưa thưa và nông. Hoa kép, màu trắng vàng nhạt, gồm nhiều cánh xếp sít nhau [1].

Hoa hồng vàng 

Hoa hồng vàng
Hoa hồng vàng
  • Hồng vàng là giống nhập ngoại, có thân thẳng màu xanh nhạt, lá dài, răng cưa nông. Cuống, gân và mép lá của giống hồng vàng có màu hơi tím, cành nhánh của cây có nhiều nụ.
  • Hoa có màu vàng nhạt, gồm nhiều cánh xếp chặt vào nhau [1].

Hoa hồng quế

Hoa hồng quế
Hoa hồng quế
  • Hồng quế là giống hồng nội địa. Cây cao, to, hoa có màu hồng, cánh ít và mau tàn. Thân bụi, cây thẳng, màu xanh đậm, lá thuôn dài, răng cưa sâu [1].
  • Giống hồng này có sức sống mạnh, có thể trồng ở nhiều loại khí hậu và thổ nhưỡng khác nhau, có khả năng chống chịu sâu bệnh tốt.

Kỹ thuật chọn gốc ghép cây hoa hồng

Gốc ghép hoa hồng
Gốc ghép hoa hồng
  • Có khả năng tiếp hợp với cành ghép, chống chịu tốt với điều kiện ngoại cảnh bất lợi.
  • Cây sinh trưởng khỏe, kháng được bệnh và sương giá, có khả năng nhân giống cao.
  • Vỏ của gốc ghép phải dày để giữ được cố định chồi và cung cấp nhựa cây tới chồi thân.
  • Nên chọn gốc ghép là những giống hồng dại, hồng leo, hồng tỉ muội,... để cây có sức sống khỏe nhất [2].

Kỹ thuật chọn cành ghép cây hoa hồng

Cành ghép hoa hồng
Cành ghép hoa hồng
  • Cây mẹ trên 1 năm tuổi, được chăm sóc và bón phân đúng kỹ thuật.
  • Cành dùng để nhân giống là những cành bánh tẻ khoảng 2 - 3 tháng tuổi.
  • Cành thẳng, có đường kính khoảng 0,5 - 0,8cm và mang các đặc trưng của giống, sinh trưởng phát triển tốt, không nhiễm sâu bệnh và các tổn thương cơ giới [1],[2].

Lưu ý: Cành sau khi cắt nên được ghép ngay. Thời gian bảo quản cành không được quá 7 ngày. Điều kiện nhiệt độ bảo quản cành là 5 độ C, độ ẩm từ 90 - 95%.

Kỹ thuật chọn cành giâm cây hoa hồng

Cành giâm cây hoa hồng
Cành giâm cây hoa hồng
  • Cành hồng dùng để chiết là cành bánh tẻ, không được quá già hoặc quá non. nên chọn cành đang trong giai đoạn mang hoa ở giai đoạn khai thác.
  • Trên cành chọn để giâm, chỉ nên chọn đoạn giữa của cành, không nên lấy ngọn và gốc.
  • Cành cắt để giâm có chiều dài 8 - 10cm, có từ 1 - 3 mắt (tốt nhất là 2 mắt) [2].

Kỹ thuật chọn cành chiết cây hoa hồng

Cành chiết hoa hồng
Cành chiết hoa hồng
  • Cành hồng dùng để chiết là cành bánh tẻ, không được quá già hoặc quá non.
  • Cành chiết phải khỏe mạnh, mang đầy đủ các đặc trưng của giống. Cây mẹ của cành phải sinh trưởng tốt, có khả năng kháng sâu bệnh tốt [1].

 

Tài liệu tham khảo

[1] Đào Thanh Vân, Đặng Thị Tố Nga, 2007. Giáo trình cây hoa, NXB Nông Nghiệp Hà Nội, trang 41 - 48.

[2] Nguyễn Thị Kim Lý, Lê Đức Thảo, Nguyễn Xuân Linh, 2012. Kỹ thuật trồng và chăm sóc cây hoa hồng, NXB Nông Nghiệp Hà Nội, trang 17 -22.