Vì khoai lang được nhân giống bằng thân hoặc từ mầm củ nên việc đào hố, lên luống và quy trình canh tác khá khác so với những loại cây ngắn ngày còn lại. Sau đây, Bác Sĩ Cây Xanh sẽ cùng bà con tìm hiểu về kỹ thuật gieo trồng để có được một vườn khoai lang đạt tiêu chuẩn và cho năng suất cao.

Thời vụ trồng khoai lang

Khoai lang là loại cây trồng, dễ thích nghi và có thể trồng quanh năm ở nhiều vùng khác nhau. Tuy nhiên, để cây cho năng suất cao, bà con nông dân thường trồng vào các vụ mùa như sau:

  • Vụ đông: Trồng từ tháng 9 đến tháng 10. Đây là vụ chính, thời tiết mát mẻ, đủ ẩm, rất thuận lợi cho khoai lang sinh trưởng và phát triển.
  • Vụ xuân: Trồng từ tháng 2 đến tháng 3. Vụ xuân thường cho củ khoai lang to, đều và ngọt.

Kỹ thuật lên luống, đào hố cho cây khoai lang

Lên luống trồng khoai lang
Lên luống, đào hố trước khi trồng khoai lang

Lên luống cho khoai lang nhằm tạo điều kiện cho củ phát triển. Đối với khoai lang, khi lên luống cần chú ý đến 2 vấn đề, đó là: Kích thước luống và hướng luống [1].

Kích thước luống

Tùy vào các loại đất khác nhau mà cách lên luống cũng sẽ có sự khác biệt:

  • Đối với đất cát: Lên luống rộng từ 1,2 - 1,5m, cao từ 0,45 - 0,5m.
  • Đối với đất thịt nhẹ: Lên luống rộng từ 1,2 - 1,3m, cao 0,1 - 0,35m [2].

Hướng luống

Tùy thuộc vào kích thước của luống để xác định hướng, nhưng thường là hướng Đông Tây. Việc lên luống đúng hướng sẽ đem lại 2 lợi ích:

  • Không bị gió mùa Đông Bắt làm lật dây trong thời gian đầu mới trồng.
  • Hạn chế ánh mặt trời chiếu thẳng vào sườn luống làm tăng nhiệt độ luống khoai, tạo điều kiện thuận lợi cho bọ hà phát triển và phá hoại củ [1].

Cách trồng khoai lang bằng dây

Xuống giống cây khoai lang

Cách xuống giống cây khoai lang

Trồng khoai lang bằng dây là một phương pháp phổ biến và hiệu quả, đặc biệt phù hợp với điều kiện khí hậu và đất đai ở nhiều vùng. Dưới đây là hướng dẫn chi tiết về cách trồng khoai lang bằng dây.

Tiêu chuẩn chọn dây khoai lang giống

Dây khoai lang giống

Cách chọn dây khoai lang giống

Dây khoai lang giống đạt chất lượng cần đáp ứng được các tiêu chí sau đây:

  • Dây to mập, khỏe, lá xanh thẫm.
  • Đốt ngắn
  • Không ra hoa, ra rễ trước (không quá non hoặc quá già).
  • Không bị sâu bệnh hại [1].

Kỹ thuật trồng khoai lang bằng dây

Kỹ thuật xuống giống khoai lang

Kỹ thuật xuống giống cây khoai lang

Có rất nhiều cách khác nhau để xuống giống khoai lang. Tuy nhiên, hiện nay có 2 cách xuống giống phổ biến nhất là: Trồng dây phẳng dọc luống và trồng dây áp tường.

  • Trồng dây phẳng dọc luống: Các mắt đốt trên thân được phân bố đều trong luống, tạo điều kiện cho củ phát triển. Thân lá phát triển hai bên sườn luống làm tăng khả năng quang hợp cho cây. Tuy nhiên, kỹ thuật này khá phức tạp nên thường tốn nhiều tiền, làm gia tăng chi phí đầu tư sản xuất.
  • Trồng dây áp tường: Chỉ cần lên một bên sườn luống. Sau đó đặt dây khoai lang nghiêng sườn luống rồi lên nốt sườn luống còn lại để lắp dây. Đây là một kỹ thuật đơn giản, dễ làm. Tuy nhiên, các mắc đốt ra củ nằm sâu nên số củ trên dây thường ít, chỉ phát triển ở một bên sườn và khiến thân lá phát triển không đều, gây ảnh hưởng đến hiệu suất quang hợp của cây [1].

Mật độ trồng

Mật độ trồng ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển của thân, lá, sự hình thành củ và trọng lượng củ. Vì vậy mật độ trồng hợp lý là vô cùng quan trọng để có được một vườn khoai lang năng suất cao.

  • Ở đất bạc màu: Có thể dao động từ 33.000 - 40.000 dây/ha.
  • Ở đất cát ven biển: Mật độ dao động từ 27.000 - 32.000 dây/ha [1].

Tài liệu tham khảo

[1] TS. Nguyễn Viết Hưng và ctv. (2010), Giáo trình Cây khoai lang, Đại học Nông lâm Thái Nguyên, trang 66 -67, 72.

Xem thêm Kỹ thuật trồng khoai lang

Kỹ thuật chăm sóc cây khoai lang thời kỳ mọc mầm ra rễ

Chăm sóc bón phân tạo củ khoai lang