Hiện nay, có rất nhiều giống khoai lang được trồng phổ biến ở Việt Nam. Người dân có thể lựa chọn giống khoai phù hợp với điều kiện đất đai, thời tiết và thị hiếu của người tiêu dùng để bắt đầu một mùa vụ mới.
Kỹ thuật chọn giống cây khoai lang
Một số giống khoai lang phổ biến hiện nay
Giống khoai lang Nhật
Đây là giống khoai chất lượng và có sản lượng cao. Củ thường có vỏ nhẵn màu tím đặc trưng, thon dài và cho thu hoạch sau 105 - 120 ngày sau trồng.
Sản lượng trung bình của khoai lang Nhật dao động từ 9 - 15 tấn/ha, được sử dụng để ăn tươi hoặc xuất khẩu [1],[2].
Giống khoai lang mật Đà Lạt
Đây là giống khoai lang địa phương, được trồng ở vùng cao nguyên Bazan Đà Lạt. Củ có hình thoi, vỏ có màu tím và ruột màu vàng cam.
Khoai lang Đà Lạt có vị ngọt và rất dẻo, năng suất trung bình dao động từ 10 - 14 tấn/ha [3].
Khoai lang trắng
Khoai lang trắng có củ hình thôi, vỏ và ruột có màu trắng ngà, chứa nhiều tinh bột, ít protein nên thường được sử dụng để làm nguyên liệu nấu rượu hoặc làm thức ăn cho gia súc, gia cầm [4].
Khoai lang tím
Có hình thon dài, vỏ và ruột có màu tím đặc trưng. Khoai lang tím được yêu thích bởi hương vị thơm ngon và giá trị dinh dưỡng cao.
Năng suất trung bình dao động khoảng 30 - 35 tấn/ha, thường cho thu hoạch sau 110 - 115 ngày gieo trồng [5].
Kỹ thuật chọn cây khoai lang giống
Khoai lang là một loại cây dễ trồng, thường được nhân giống bằng thân (hay còn gọi là dây) hoặc từ mầm củ. Tuy nhiên, để có được một vườn khoai lang ưng ý, đạt năng suất và chất lượng cao thì giống là một vấn đề quan trọng cần được bà con nông dân quan tâm, lưu ý.
Cây giống khoai lang đạt tiêu chuẩn cần phải đáp ứng được những vấn đề sau đây:
Dây to mập, lá xanh thẫm, đốt ngắn. Không ra rễ hoặc ra hoa trước (không quá già hoặc quá non) và không mắc sâu bệnh.
Chọn dây bánh tẻ và cắt đoạn 1, đoạn 2 đem trồng để cây giống có chất lượng tốt nhất [6].
Tài liệu tham khảo
[1] Fao Việt Nam (2021), "Kỹ thuật trồng Khoai lang Nhật củ to dài ruột vàng đậm".
[2] Tuấn Nguyên Corp, "Giống khoai lang Nhật"
[3] Cổng TTĐT Tài năng trẻ Quốc gia (2018), "Kỹ thuật trồng khoai lang (Phần 1).
[4] Phạm Thị Phượng Nhiên (2021), "Tên 12 loại khoai ở Việt Nam, bạn có thể kể hết không?".
[5] Thư viện điện tử KH & CN tỉnh Vĩnh Long (2010), "Kinh nghiệm trồng khoai lang".
[6] TS. Nguyễn Viết Hưng et al. (2010), Giáo trình Cây khoai lang, Đại học Nông lâm Thái Nguyên, trang 76.