Tùy vào kỹ thuật nhân giống, điều kiện đất đai, khí hậu, thời tiết ở mỗi vùng mà chúng ta sẽ có kỹ thuật chọn giống khác nhau. Việc chọn giống rất quan trọng, ảnh hưởng xuyên suốt quá trình sinh trưởng và phát triển của cây mãng cầu na. Tìm hiểu cách chọn giống mãng cầu na cùng Bác Sĩ Cây Xanh.
Các giống mãng cầu na
Na dai nội địa
Na dai nội địa có vỏ mỏng, dễ tách bóc, thịt nhiều, chắc và ngọt, hạt ít, nhỏ dễ tách bóc ra khỏi thịt quả, trọng lượng quả từ 0,15 - 0,25kg.
Na bở nội địa
Na bở có vỏ màu xanh, trái to, nhiều thịt, mỗi quả nặng từ 0,3 - 0,4kg. Thịt ngọt tuy nhiên bở, khó bóc vỏ hơn na dai, quả thường bị nứt [1].
Na Thái Lan
Na Thái Lan có sức chống chịu với sâu bệnh và các yếu tố thời tiết khá tốt. Cây cho năng suất và chất lượng quả cao, trọng lượng quả dao động từ 0,5 - 0,7kg. Đặc biệt, tỉ lệ hạt của giống na này ít hơn so với giống na dai hiện có ở nước ta [1].
Na Đài Loan
Na Đài Loan thường được trồng ở các vùng núi cao. Quả của giống này không tròn và dài như các loại mãng cầu na khác, trọng lượng quả lớn, dao động từ 0,7 - 1kg. Thịt quả dai, thơm, ngọt và mềm, các tép thịt dính liền với nhau, hạt ít [1].
Na tím
Quả na tím có hình dáng giống với các loại na nội địa, vỏ và cuống màu tím, quả chỉ to khi mọc từ thân. Cây cho năng suất cao, ít sâu bệnh, trọng lượng quả từ 0,3 - 0,4kg [1].
Kỹ thuật chọn hạt giống mãng cầu na
Bà con có thể tự sản xuất hạt giống để gieo trồng hoặc chọn mua các giống được sản xuất và đóng gói sẵn trên thị trường.
Tự sản xuất hạt giống
- Hạt giống phải được chọn từ các cây mẹ có năng suất cao.
- Quả để lấy hạt là quả được thu ở vụ chính, nằm ở ngoài tán, mắt to, tròn đều. Trọng lượng quả để lấy hạt giống dao động từ 200 - 300g [2],[3].
- Hạt thu làm giống phải được làm sạch và phơi khô dưới nắng nhẹ từ 20 - 300C.
Mua hạt giống
- Nên chọn mua các giống mãng cầu na được sản xuất hoặc phân phối bởi các đơn vị và công ty uy tín trên thị trường.
- Một số đơn vị sản xuất, phân phối hạt giống uy tín là: Công ty CP giống cây trồng Miền Nam, công ty cổ phần Hệ sinh thái Công nghệ Việt Nam,...
Kỹ thuật chọn gốc ghép mãng cầu na
- Gốc ghép yêu cầu phải cứng cáp, đường kính gốc phải đạt từ 1,5cm trở lên, cây lấy gốc phải từ 12 - 24 tháng tuổi và được gieo từ hạt trong vườn ươm.
- Ngoài ra, khi có nhu cầu đổi giống, bà con có thể chọn gốc ghép là những cây có đường kính gốc khoảng 15cm hoặc hơn.
Kỹ thuật chọn cành ghép mãng cầu na
- Chọn cành ghép ở những cây đang trong tuổi cho quả rộ, cành có ít nhất từ 4 - 6 năm tuổi, kháng sâu bệnh tốt, đã ra hoa kết quả, cho năng suất cao, ổn định, chất lượng cao và đặc trưng cho giống [2],[3].
- Cành ghép là những cành bánh tẻ có màu xanh hơi nâu, mọc ở phía ngoài tán, khỏe mạnh, sung sức.
- Nên chọn những cành đã hóa gỗ (khoảng 1 năm tuổi), dài khoảng 15cm, đường kính phải từ 0,3 - 0,7 cm hoặc 1cm trở lên [3].
Lưu ý: Không nên lấy những cành ở các cây nhỏ, mới bói quả hoặc cây quá già. Nếu sử dụng cành ghép ở những cây này, cây ghép sẽ phát triển kém, không đạt được mong muốn về năng suất và phẩm chất như mong đợi.
Kỹ thuật chọn mắt ghép mãng cầu na
- Chọn mắt ghép trong thời kỳ sinh trưởng mạnh nhất của cây.
- Cây lấy mắt ghép phải là cây khỏe, ít sâu bệnh, năng suất cao, phẩm chất tốt, có tuổi sinh trưởng từ 4 - 6 năm hoặc đã cho thu hoạch từ 3 năm trở lên.
- Mắt ghép lấy từ cành 1 năm tuổi trở lên, không bị sâu bệnh và đã từng thay lá, chiều dài mắt ghép phải đạt khoảng 4cm.
Tài liệu tham khảo
[1] Helino, 2019. Điểm danh 10 loại na đang có mặt trên thị trường Việt, loại đắt nhất lên tới gần 500 nghìn/kg, 2022.
[2] Lê Thùy Dung, 2012. Nghiên cứu một số biện pháp kỹ thuật tác động làm tăng năng suất, chất lượng quả và phòng trừ dịch hại tổng hợp trên cây Na. Chi cục Bảo vệ thực vật Quảng Ninh, trang 7.
[3] Sở Nông Nghiệp và PTNT tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, 2016. Giáo trình mô đun nhân giống cây mãng cầu ta, trang 45.
Xem thêm