Mãng cầu na được du nhập vào nước ta từ thế kỷ 16. Đây là loại cây có giá trị dinh dưỡng và thương phẩm cao, đem lại nguồn lợi kinh tế và góp phần cải thiện cuộc sống đáng kể cho người nông dân. Tìm hiểu chung về mãng cầu na cùng Bác Sĩ Cây Xanh.
Giới thiệu chung về cây mãng cầu na
Tên thường gọi: Mãng cầu na, na.
Tên khoa học: Annona squamosa L. thuộc họ Na Annonaceae.
Mãng cầu na là cây nhiệt đới, có nguồn gốc từ các nước châu Mỹ. Đây là loại cây ăn quả có hàm lượng dinh dưỡng cao, được biết đến như một loại thực phẩm và dược liệu có công dụng cải thiện chức năng tim, giảm táo bón, tốt cho não bộ, giúp phòng ngừa các bệnh ung thư,... [1].
Có thể phân biệt cây mãng cầu na với những loại cây khác bằng các đặc tính sinh học dưới đây:
- Thân, cành: Thân gỗ, hoặc thân bụi, cao từ 3 - 8m, thân già màu nâu xám, có nhiều cành, cành nhỏ và mềm.
- Lá: Lá đơn, mỏng, có hình dạng giống quả trứng, màu xanh lục, có mùi đặc trưng. Lá già nhẵn, lá non có các lông thưa.
- Hoa: Hoa lưỡng tính màu xanh vàng, mọc chúc ngược, mọc đơn hoặc mọc thành chùm từ 2 - 4 hoa.
- Quả: Quả hình trái tim, có cuống hơi lõm vào trong. Vỏ quả xù xì, thịt mềm màu trắng sữa, bên trong có nhiều hạt.
- Hạt: Hạt hình bầu dục, một đầu thuôn tròn, vỏ hạt màu đen, bóng, nhẵn, dài 2 - 3cm.
Nhờ khả năng thích nghi rộng, hiện nay, mãng cầu na đã được du nhập vào nhiều nước trên thế giới như Thái Lan, Trung Quốc, Ấn Độ, Cu Ba, Brazil,... [2]. Ở nước ta, cây mãng cầu na được trồng rộng rãi khắp cả miền Nam và miền Bắc.
Điều kiện sinh trưởng của cây mãng cầu na
Ánh sáng
- Mãng cầu na là cây ưa sáng, thích hợp trồng ở những nơi nắng chiếu trực diện, không bị che khuất. Cây được trồng ở nơi có ánh sáng phù hợp sẽ cho năng suất cao và ít nhiễm sâu bệnh [1].
Nhiệt độ
- Mãng cầu na có khả năng chịu nhiệt và chịu rét cao. Trong điều kiện nhiệt độ khắc nghiệt (nhiệt độ quá cao hoặc quá thấp), cây vẫn có thể sinh trưởng được tuy nhiên sẽ còi cọc và cho năng suất thấp.
- Nhiệt độ phù hợp để mãng cầu na sinh trưởng và phát triển tốt nhất là 25 - 30°C [1].
Đất
- Mãng cầu na ưa đất thoáng, nên trồng cây ở những vùng đất cao, thoát nước tốt, độ pH đất từ 5,5 - 7,4. Đất thích hợp để trồng cây mãng cầu na là đất phù sa, đất đỏ [1].
- Ở những nền đất cát, đất sỏi, đất khô hạn,..., mãng cầu na vẫn có thể sinh trưởng, tuy nhiên cây sẽ còi cọc, cho năng suất và chất lượng quả kém.
Nước
- Khả năng chịu ngập úng của cây mãng cầu na khá kém. Cây sẽ sinh trưởng và phát triển tốt nhất khi độ ẩm đất trồng trong khoảng từ 70 - 80%, lượng mưa từ 1.000 - 2.000 mm/năm [1].
Hiệu quả kinh tế của cây mãng cầu na
Hiện nay, mãng cầu na được trồng phổ biến ở khắp nước ta. Trừ những vùng sương muối, còn lại hầu hết các tỉnh đều có thể trồng loại cây này.
- Các tỉnh trồng mãng cầu na ở nước ta có thể kể đến như: Bắc Giang, Ninh Bình, Quảng Ninh, Lạng Sơn,... (miền Bắc), Đắk Lắk, Gia Lai,.. (miền Trung), Tây Ninh, Vũng Tàu, các tỉnh thuộc đồng bằng Sông Cửu Long,.. (miền Nam).
- Theo thống kê của hội nông dân tỉnh Ninh Bình, diện tích trồng mãng cầu na ở tỉnh này năm 2020 là 1.220ha, sản lượng đạt khoảng 14.000 tấn [3]. Ở Gia Lai, diện tích trồng mãng cầu na năm 2020 đạt khoảng 328,04 ha, sản lượng 628,79 tấn [4].
- Những năm gần đây, giá mãng cầu na trên thị trường dao động từ 38.000 - 39.000 đồng/ kg [1]. Vào những thời điểm trái vụ, giá loại trái cây này có thể cao lên đến 100.000 đồng/ kg.
Đây được coi là loại cây ăn quả chủ lực, có tiềm năng kinh tế cao, giúp bà con nông dân ở các tỉnh vùng núi xóa đói giảm nghèo, nâng cao mức sống, đồng thời góp phần phủ xanh đất trống, đồi trọc.
Tài liệu tham khảo
[1] Sở Nông Nghiệp và PTNT tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, 2016. Giáo trình mô đun nhân giống cây mãng cầu ta.
[2] Thống kê FAO năm 2020.
[3] Giống na mới, tăng năng suất ở Quảng Ninh, 2020. Hội Nông Dân tỉnh Ninh Bình.
[4] Nguyễn Bá Huy, 2021. Phát triển cây ăn quả trên địa bàn tỉnh Gia Lai. Việt Khoa học Kỹ thuật Nông Lâm Nghiệp Tây Nguyên.
Xem thêm