Tổng quan về cây mít

Kích thước chữ

Mít là một trong những loại cây ăn quả lâu đời được trồng ở Việt Nam và các nước Châu Á. Chúng từng được xem là loại cây cứu đói ở một số quốc gia vì mang nhiều giá trịnh dinh dưỡng. Ngoài ra, gỗ mít còn mang lại giá trị kinh tế lớn, góp phần cải thiện thu nhập và cuộc sống cho bà con nông dân.

Giới thiệu chung về cây mít

Tên thường gọi: Cây mít

Tên khoa học: Artocarpus heterophyllus L. Thuộc họ Dâu Tằm (Moraceae)

Mít là một loại cây lưu niên có xuất xứ từ Ấn Độ, dòng đời dài từ 20 - 100 năm tuổi. Đây là cây ăn quả có khả năng sinh trưởng tốt nên được trồng phổ biến ở rất nhiều nơi trên thế giới, đặc biệt là ở Việt Nam. Bà con có thể nhận biết cây mít thông qua một số đặc điểm sau [1],[2]:

  • Rễ: Mít có bộ rễ cọc chắc khỏe ăn sâu vào trong lòng đất, giúp cho cây ít bị đổ ngã và sâu bệnh.
  • Thân: Có chiều cao từ 10 - 30m, màu xám sẫm và nhiều cành tán. Đường kính thân cây mít khi bé dao động từ 10 - 20cm và trên 30cm khi lớn.
  • Lá: Mít là loại cây có lá đơn, mọc cách, hình trái xoan và có màu xanh bóng ở mặt trên. Khi ở giai đoạn cây con, lá mít thường chia thành 3 thùy đơn.
  • Hoa (Dái mít) : Cây mít có hoa đơn tính đồng chu. Hoa đực mọc thành bông đuôi sóc, cụm hoa đực thường có lông tơ dài và lá bắc hình khiên. Cụm hoa cái có hình bầu dục, mọc ngay trên thân hoặc các cành già.
  • Quả: Thuộc dạng quả phức (gồm nhiều quả thật bên trong), có chiều dài khoảng 30 - 60cm, đường kính dao động từ 18 - 30cm, vỏ có nhiều gai.
  • Hạt: Hạt có hình thuôn dài từ 2 - 4cm, rộng 1,5 - 3cm. Bên trong hạt không có nội nhũ mà chỉ có 2 lá đài. Hạt mít chứa nhiều chất dinh dưỡng, có thể được sử dụng như hạt lương thực để nấu ăn hoặc chế biến thành nhiều món khác nhau.

Điều kiện sinh trưởng của cây mít

Nhiệt độ

  • Cây mít thường được trồng ở vùng có khí hậu nhiệt đới và bán nhiệt đới nên nhiệt độ thích hợp để cây sinh trưởng và phát triển tốt là từ 20 - 32oC.
  • Nếu nhiệt độ môi trường quá cao hoặc quá thấp có thể gây ảnh hưởng đến khả năng sinh trưởng và phát triển của cây trồng [3].

Ánh sáng

  • Đây là một loại cây ưa sáng, lượng ánh sáng thích hợp cho sự phát triển của mít dao động từ 2.000 - 2.500 giờ/năm [3].

Độ ẩm

  • Độ ẩm là một trong những yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến thời kỳ ra hoa và đậu trái của cây.
  • Thông thường để cây có thể sinh trưởng tốt và cho năng suất cao thì nên giữ độ ẩm không khí trong vườn khoảng 70 - 75% [3].

Nước

  • Cây mít có khả năng chịu hạn tốt (từ 3 - 4 tháng) vì có bộ rễ ăn sâu vào trong lòng đất.
  • Nhưng để cây có thể đạt được năng suất tốt nhất, bà con nên trồng cây ở những nơi có lượng mưa hàng năm dao động từ 1.000 - 2.000mm [3].

Lưu ý: Không được dùng nước mặn, nước phèn để tưới cho cây.

Đất và dinh dưỡng

  • Mít có thể trồng được trên rất nhiều loại đất khác nhau như: Đất đỏ bazan, đất phù sa, đất xám,...nhưng phát triển tốt nhất trên đất sét pha cát.
  • Tuy nhiên, vì khả năng chịu ngập úng kém nên bà con cần chọn đất cao ráo, có độ thoát nước tốt [3],[4].

Thời vụ

Nếu bà con có thể chủ động được nguồn nước tưới cho cây thì có thể canh tác mít được quanh năm. Tuy nhiên, thời gian thích hợp và thuận lợi nhất là vào 2 thời điểm [3],[4]:

  • Vụ Xuân: Từ tháng 3 - 4 dương lịch

  • Vụ Thu: Từ tháng 8 - 9 dương lịch

Hiệu quả kinh tế của cây mít

Hiệu quả kinh tế của cây mít
Hiệu quả kinh tế của cây mít
  • Mít là một loại cây ăn quả dễ trồng, có thời gian sinh trưởng ngắn, cho thu hoạch sớm và ít tốn công chăm sóc. Ngoài ra, với hương vị thơm ngon, mít luôn là một món tráng miệng hoàn hảo sau mỗi bữa cơm gia đình.
  • Với năng suất khoảng 500kg/0,3ha và giá thu mua tại vườn dao động từ 15.000 - 30.000 nghìn đồng, bà con có thể đảm bảo được nguồn thu nhập và cải thiện đời sống của mình [5],[6].

 

Tài liệu tham khảo

[1] KS. Hồ Đình Hải (2014), Cây Mít.

[2] GS. Vũ Công Hậu (1999), Trồng cây ăn quả ở Việt Nam, Nhà xuất bản Nông nghiệp, trang 315 - 316.

[3] TS. Lê Tất Khang, Yêu cầu sinh thái của cây mít và biện pháp kỹ thuật bền vững áp dụng trong quá trình trồng, chăm sóc cây mít, Viện Nghiên cứu và Phát triển Vùng - Bộ Khoa học và Công nghệ.

[4] Sở NN&PTNT tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (2012), Kỹ thuật trồng Mít.

[5] Võ Ánh Phượng (2021), Huyện Long Mỹ: Hiệu quả kinh tế mô hình trồng Mít thái, Khuyến nông Hậu Giang.

[6] Phan Công Kiên (2018), Cây Mít cho hiệu quả kinh tế cao và ổn định, Viện Nghiên cứu bông và PTNN Nha Hố.