Đối với cây mít, hiện nay có ba kỹ thuật nhân giống được người dân sử dụng phổ biến nhất, đó là: Ghép cành, ghép mắt và chiết cành. Bà con hãy cùng Bác Sĩ Cây Xanh tìm hiểu về thao tác kỹ thuật, ưu điểm và nhược điểm của từng phương pháp dưới đây nhé.
Kỹ thuật nhân giống mít bằng phương pháp ghép cành
Các bước áp ghép cành (chấp cành)
Trong số các phương pháp nhân giống vô tính cho cây mít thì hiện nay, phương pháp ghép cành đang được bà con sử dụng rộng rãi và mang lại hiệu quả cao [1].
Bước 1: Xử lý gốc ghép, cành ghép
- Gốc ghép: Dùng dao cạo phần vỏ ngoài của cành định ghép dài khoảng 2cm và rộng khoảng 0,5cm.
- Cành ghép: Chọn cành ghép có đường kính tương đương với gốc ghép, sau đó cạo phần vỏ ngoài có chiều dài và chiều rộng tương ứng với cành trên gốc ghép.
Bước 2: Ghép cành
- Áp sát cành ghép và gốc ghép lại với nhau sao cho khớp.
Bước 3: Quấn dây
- Sau khi ghép cành và gốc ghép lại với nhau thì tiến hành dùng băng keo hoặc dây nilon chuyên dụng để cố định chúng lại.
- Khoảng 20 ngày sau ghép, tiến hành cắt ngọn của gốc ghép và gốc của cành ghép khi thấy vết ghép đã liền lại.
Lưu ý: Nên quấn dây nilon theo chiều từ dưới lên trên và quấn kín nơi ghép để hạn chế nước mưa, vi khuẩn xâm nhập gây hại cho cây.
Ưu nhược điểm của phương pháp ghép cành
Ưu điểm:
- Cây ghép vẫn giữ được đặc tính của cây mẹ.
- Phương pháp ghép cành có hệ số nhân giống cao, trong thời gian ngắn có thể sản xuất được nhiều cây giống đáp ứng được nhu cầu sản xuất.
- Tận dụng được ưu thế của gốc ghép, chống chịu được hạn, úng và các loại sâu bệnh hại.
- Thời gian cho thu hoạch nhanh.
Nhược điểm:
- Đòi hỏi kinh nghiệm và kỹ thuật cao.
- Các bệnh trên cây mẹ có thể lây lan sang cây con.
- Cây nhanh cổi, có chu kỳ khai thác ngắn.
- Có thể dẫn đến thoái hóa giống.
Kỹ thuật nhân giống mít bằng phương pháp ghép mắt
Các bước ghép mắt
Ghép mắt là phương pháp nhân giống vô tính được áp dụng trên nhiều loại cây ăn trái. Riêng đối với cây mít, phương pháp ghép mắt cửa sổ hình chữ H mang lại hiệu quả cao hơn so với các phương pháp ghép khác. Bà con có thể thực hiện thao tác ghép mắt cửa sổ hình chữ H cho cây theo các bước sau đây [2]:
Bước 1: Tách vỏ cây ghép
- Tạo cửa sổ dài khoảng 1,5cm, rộng từ 0,7 - 1cm (tùy đường kính thân gốc ghép).
Bước 2: Cắt mắt ghép
- Chọn mắt ghép khỏe mạnh trên cành và vạt mắt ghép sao cho tương xứng với cửa sổ đã tạo.
Bước 3: Ghép mắt vào cây
- Ráp mắt ghép vào bên trong cửa sổ hình chữ H.
- Sau đó, quấn dây nilon chuyên dụng hoặc bọc nilon để bảo vệ mắt ghép.
Lưu ý: Nên quấn dây nilon theo chiều từ dưới lên trên và quấn kín nơi ghép để hạn chế nước mưa, vi khuẩn xâm nhập gây hại cho cây.
Ưu nhược điểm của phương pháp ghép mắt.
Nhân giống vô tính cây mít bằng phương pháp ghép mắt có ưu và nhược điểm tương tự phương pháp ghép cành.
Kỹ thuật nhân giống mít bằng phương pháp chiết cành
Các bước chiết cành
Chiết cành là một trong những phương pháp nhân giống mà vẫn giữ được đặc tính của cây mẹ. Đồng thời, cây chiết sinh trưởng nhanh, dễ chăm sóc và có thời gian cho trái nhanh [3],[4].
Bước 1: Khoanh cành chiết
- Dùng dao sắc khoanh 2 vòng song song trên vỏ cành chiết (cách nhau khoảng 4 - 5cm).
- Sau đó, tiến hành bóc vỏ rồi dùng dao cạo bỏ lớp tế bào tượng tầng trên cành.
- Lau sạch vết cắt và để khô nhựa trong khoảng 2 - 3 ngày rồi bó bầu.
Bước 2: Chuẩn bị đất bó bầu
- Giá thể để làm túi bầu có tỷ lệ thành phần như sau: 2 đất + 1 bùn ao phơi khô
- Độ ẩm tốt nhất của túi bầu khoảng 70%
Lưu ý: Không làm bầu quá to vì nếu cây không cung cấp đủ nước sẽ làm đất bị khô cứng, khiến cây khó ra rễ.
Bước 3: Bó bầu
- Giàn đất mỏng đều xung quanh khu vực khoanh cành.
- Sau đó, lấy giấy nilon quấn quanh bầu. Cuối cùng lấy dây buộc chặt hai đầu túi bầu (không để túi bầu có thể xoay vòng vì sẽ làm đứt rễ non).
Lưu ý: Có thể sử dụng thêm các chất kích thích sinh trưởng để cây ra rễ nhanh.
Bước 4: Cắt cành chiết
- Sau chiết từ 45 - 60 ngày (thời gian tùy vào từng giống cây khác nhau), khi thấy rễ đã chuyển từ màu trắng nõn sang vàng ngà hoặc hơi xanh thì có thể cưa cành chiết để giâm vào vườn ươm.
Ưu nhược điểm của phương pháp chiết cành
Ưu điểm [5]:
- Dễ làm
- Giữ được đặc tính của cây mẹ
- Thời gian nhân giống và cho thu hoạch nhanh
- Áp dụng được cho những cây không thể nhân giống bằng hạt
Nhược điểm [5]:
- Cây mau già cỗi, dễ đổ ngã
- Số lượng nhân giống thấp và làm suy cây mẹ
- Mầm bệnh có thể truyền từ cây mẹ sang cây con
Tài liệu tham khảo
[1] Web lamtho.vn (2017), " Hướng dẫn kỹ thuật ghép áp cành ".
[2] Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (2011), " Kỹ thuật ghép Mít ".
[3] Fao Việt Nam (2021), " Cách chiết cành mít cho cành khỏe, ra rễ nhiều nhất ".
[4] Web lamtho.vn (2017), " Hướng dẫn kỹ thuật chiết cành cây cơ bản ".
[5] Trần Thị Xuyến và Ngô Hoàng Duyệt (2010), Giáo trình sơ cấp nghề - Nghề Nhân giống cây ăn quả, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trang 43.