Kỹ thuật chọn giống cho cây nhãn

Kích thước chữ

Nhãn là cây ăn quả có tán rộng, kích thước và chiều cao của nhãn còn tùy thuộc vào từng phương pháp nhân giống. Nhãn trồng bằng hạt thì cây sẽ cao hơn so với phương pháp ghép hay chiết. Tùy vào nhu cầu thị trường, kỹ thuật và thói quen canh tác mà bà con có thể lựa chọn các giống và kỹ thuật nhân giống phù hợp.

Hướng dẫn cách chọn giống cho cây nhãn

Các giống nhãn phổ biến hiện nay

Nhãn lồng

Nhãn lồng
Giống nhãn lồng
  • Quả tròn, kích thước lớn như vải thiều, vỏ hơi vàng, hạt nhỏ, cùi dày, thơm và ngọt. Đây là loại nhãn được nhiều người chọn mua nhất hiện nay [1].
  • Hiện nay, giá giao động của nhãn lồng khoảng 30.000 - 40.000 đồng/ kg.

Nhãn tiêu da bò

Nhãn tiêu da bò
 Giống nhãn tiêu da bò
  • Quả nhỏ hơn nhãn lồng, có 10 - 13 lá chét, mép lá gợn sóng, phiến lá hơi xoắn, mặt lá màu xanh đậm. Quả nhãn khi chín có màu vàng da bò, cùi dày, hạt nhỏ, ráo nước.
  • Giá của giống nhãn tiêu da bò khoảng 25.000 đồng/ kg [1]

Nhãn Hương Chi

Nhãn hương chi
Giống nhãn Hương Chi
  • Là một loại nhãn khá nổi tiếng ở Hưng Yên. Cây có nhiều đợt hoa trong năm, thân cây thấp, cành xòe rộng, tán tròn dễ thu hái và thuận tiện chăm sóc. Chùm quả có dạng chùm sung, quả nhãn cho cùi giòn, hạt nhỏ, vỏ mỏng.
  • Giá thành nhãn Hương Chi rơi vào khoảng 25.000 - 30.000 đồng/ kg [1].

Nhãn Ido

Nhãn Ido
Giống nhãn Ido

Nhãn Ido có nguồn gốc từ Thái Lan, vỏ quả mỏng, cứng, hạt nhỏ, cùi dày, thơm, ráo nước. Giống nhãn Ido sinh trưởng mạnh, dễ đậu trái, cho năng suất cao, tỷ lệ nhiễm bệnh chổi rồng nhẹ.

Hiện nay, nhãn Ido được thu mua tại vườn với giá dao động từ 24.000 - 25.000 đồng/ kg.

Kỹ thuật chọn gốc ghép

Kỹ thuật chọn gốc ghép
Gốc cây nhãn ghép
  • Nên chọn những cây giống có nguồn gốc bản địa, đã thích nghi sẵn với điều kiện khí hậu tại địa phương.
  • Hiện nay giống chọn làm gốc ghép thường được người dân sử dụng là nhãn thóc, lãn long, nhãn nước [1].
  • Cây được chọn làm gốc ghép phải đủ các tiêu chuẩn sau đây:

- Cây đủ 8 - 12 tháng tuổi, cao khoảng 60 - 80cm, đường kính thân 0,6 - 0,7cm [2].

- Chọn giống có khả năng sinh trưởng mạnh mẽ, đậu quả sớm, năng suất, chất lượng cao.

- Gốc ghép phải có bộ rễ khỏe, mọc thẳng, không dị dạng, ít sâu bệnh, có khả năng nuôi cành, mắt ghép tốt. 

Lưu ý: Không lựa chọn những gốc ghép xấu, chưa rõ nguồn gốc.

Kỹ thuật chọn cành ghép

Kỹ thuật chọn cành ghép
Cành nhãn dùng để ghép
  • Tùy vào phương pháp ghép và thời vụ mà bà con sẽ có cách lựa chọn cành ghép phù hợp và đạt được năng suất.
  • Cành ghép được lựa chọn trên cây nhãn phải đạt các tiêu chí sau đây [1]  [2]:
  • Cành có độ tuổi từ 2 - 3 tháng (đối với ghép cành), 4 - 7 tháng (đối với ghép mắt), nằm ở giữa tầng tán, phơi ngoài ánh sáng.
  • Cành ghép được chọn nên có từ 2 đến 3 đợt lộc, vì những đợt lộc này có rất nhiều mắt ngủ, khả năng bật chồi sau khi ghép sẽ nhanh hơn.
  • Cây chọn lấy cành ghép phải  là những giống thuần, được công nhận về chất lượng và mẫu mã quả, sinh trưởng khỏe mạnh, ít sâu bệnh, cho quả sai, to, ngon, ngọt.

Lưu ý: Cần buộc thành từng bó đối với các đoạn cành giống sau cắt; gốc và ngọn được xếp cùng chiều, sau đó bọc trong khăn vải cotton ẩm và bảo quản nơi thoáng mát, để ghép dần trong 1 - 2 ngày.

Kỹ thuật chọn mắt ghép

Kỹ thuật chọn mắt ghép
Cành lấy mắt ghép cây nhãn
  • Để tỉ lệ sống của mắt ghép đạt tỉ lệ cao nhất, mắt ghép phải đạt được các yếu tố sau

- Bà con cần phải lựa chọn những mắt giống từ các cây mẹ sạch sâu bệnh, chất lượng tốt và sai quả.

- Cành lấy mắt là những cành bánh tẻ (có lá đã chuyển lục đều, không già, không non, vỏ cành là những vệt nâu xen vệt xanh), mọc ngang tán trở xuống, không bị sâu bệnh.

- Mắt ghép là những chồi non nhú ra từ nách lá.

Lưu ý:  Lấy mắt trong giai đoạn cây nhãn cho năng suất ổn định và không lấy từ những cây già cỗi hoặc những cành còn non. Nếu vận chuyển xa cành ghép cần phải được bảo quản trong điều kiện mát ẩm.

 

Tài liệu tham khảo

[1] Nguyễn Mạnh Chinh và Nguyễn Đăng Nghĩa, 2006. Trồng - chăm sóc & phòng trừ sâu bệnh nhãn - chôm chôm - mãng cầu. NXB Nông nghiệp, trang 13 - 15.