Kích thước chữ
Để đảm bảo các đặc tính ưu việt của giống và đưa vào sản xuất càng sớm càng tốt, hiện nay, nhiều nhà vườn chọn phương pháp cành và ghép mắt. Dưới đây là một số kỹ thuật và lưu ý khi nhân giống vô tính, bà con có thể tham khảo.
Chuẩn bị dụng cụ
- Các vật liệu cần thiết để ghép cành nhãn bao gồm: Dao, kéo cắt cành, băng keo, cành ghép và gốc ghép đạt chuẩn.
Các bước ghép áp đoạn cành cho cây nhãn
- Dùng dao hoặc dụng cụ chuyên dụng cắt bỏ ngọn cây dùng để ghép ở đoạn cây cao từ 25 - 30cm, chỉ giữ lại 2 - 3 cành lá để quang hợp [1].
- Tiếp tục dùng dao cắt dứt khoát một đường chéo dài khoảng 2,5 - 3cm [1].
Lưu ý: Dụng cụ phải sắc, sạch sẽ, động tác cắt phải dứt khoát tránh xơ vết cắt, hạn chế cắt nhiều lần vì vi khuẩn có thể lây từ dụng cụ qua cây.
- Bà con dùng dao cắt xéo vào cành ghép với kích thước bằng với vết cắt ở gốc ghép (2,5 - 3cm).
Lưu ý: Động tác cắt phải thật nhanh, dứt khoát để vết cắt được phẳng.
- Gắn mặt cắt của cành ghép vào gốc ghép sao cho thật khớp với nhau.
Lưu ý: Khi gốc ghép lớn hơn cành ghép, bà con có thể gắn lệch cành ghép về 1 phía sao cho vỏ của gốc ghép và cành ghép chạm nhau.
- Dùng dây nilon quấn đều vết ghép sau đó dùng túi nilon và thun trùm cây ghép lại.
Lưu ý: Không buộc thun quá chặt, hạn chế phần ghép bị thối do quá ẩm.
Chăm sóc cây nhãn sau khi ghép cành
- 10 - 15 ngày sau ghép, bà con tiến hành tỉa bỏ các mầm từ gốc ghép cho đến khi đem đi trồng.
- Khi mầm ghép dài 3 - 5cm, giữ lại mầm khỏe nhất và cắt tỉa các mầm còn lại.
- Cắt bỏ dây ghép khi cành ghép đạt từ 1 - 2 đợt lộc.
- Khi cây có 1 đợt lộc, bà con tiến hành tưới phân Đạm, Lân và Kali với tỉ lệ 10g/ 10 lít nước. Tưới từ 25 - 30 ngày/ lần, dừng tưới 1 - 2 tháng trước khi mang cây đi trồng [1]
Ưu điểm, nhược điểm của ghép cành
- Gốc ghép phát triển tốt, có khả năng thích nghi với điều kiện khí hậu, đất đai.
- Cây ghép sẽ vẫn giữ nguyên được các đặc tính của giống muốn nhân.
- Trong thời gian ngắn có thể nhân giống được nhiều cây giống có chất lượng cao.
- Các giống được chọn làm sẽ sớm ra hoa, tạo quả vì mắt ghép phát triển tiếp tục giai đoạn phát dục của cây mẹ.
- Tỷ lệ sống cao.
- Các bệnh trên cây mẹ, nhất là virus có thể lây qua cây con qua nhiều thế hệ.
- Bộ rễ của cây tương đối nông, kém chịu hạn và dễ bị đổ.
- Yêu cầu người ghép phải thành thạo, tỉ mỉ, cẩn thận.
- Trong các loại phương pháp ghép thì ghép áp tốn chi phí và tốn công hơn, nhất là việc đưa cây con vào sát với vị trí ghép ở trên cây mẹ.
Các bước ghép mắt
- Cắt mở vỏ gốc ghép theo hình chữ U với chiều rộng 1cm, dài 2cm. Vị trí mở vỏ cách mặt đất 15 - 20cm [2]
Lưu ý: Trước lúc tiến hành ghép dao phải được mài dũa, rửa sạch sẽ với nước để tránh lây bệnh vào gốc ghép và mắt ghép.
- Dùng dao rạch xung quanh mắt ghép sao cho diện tích mắt ghép bằng diện tích vỏ đã mở, sau đó tách phần mắt ghép ra.
- Đặt mắt ghép vào sao cho vừa khít với cửa sổ của gốc ghép và dùng dao cắt bỏ 2/3 lớp vỏ cửa sổ rồi đậy cửa sổ lại (không được che mắt ghép).
- Nếu mắt ghép lớn hơn, bà con có thể dùng dao cắt bớt lại.
- Buộc băng nilon ghép cây từ dưới lên trên (chừa lại phần cuống lá), sau đó trùm 1 lớp nilon mỏng qua mầm ngủ.
Chú ý: Đảm bảo buộc đều tay và kín để tránh nước mưa ngấm vào gây thối mắt ghép.
Chăm sóc cây nhãn sau khi ghép mắt
- Sau 27 - 30 ngày ghép mắt, bà con tiến hành cắt dây buộc và cắt ngọn cây gốc ghép để mắt ngủ nảy mầm.
- Cắt tỉa cành dại (cành mọc từ gốc ghép).
- Tưới phân chuồng pha loãng với nước theo tỉ lệ: 1 Ure: 1 Lân: 1 Kali với nồng độ dung dịch là 2%, tưới 1 lít dung dịch cho 1m2 / tháng/ lần [2].
Tài liệu tham khảo
[1] Phạm Hữu Thương, Lê Thị Thảo, La Nguyễn, 2016. Kỹ thuật nhân giống nhãn bằng phương pháp ghép cành, Dự án nông lâm kết hợp cho sinh kế của nông hộ nhỏ vùng Tây Bắc Việt Nam, trang 13 - 15.
[2] Phạm Văn Duệ, 2005. Giáo trình kỹ thuật trồng cây ăn quả, NXB Hà Nội, trang 63, 64.