Tổng quan về cây quýt

Kích thước chữ

Quýt là loại quả có giá trị dinh dưỡng cao, chứa nhiều vitamin và khoáng chất rất tốt cho sức khỏe con người. Bên cạnh đó, phần vỏ quả cũng là một nguyên liệu được sử dụng làm thuốc trong đông y.

Giới thiệu chung về cây quýt

Tên thường gọi: Quýt

Tên khoa học: Citrus reticulata, thuộc họ: Cam quýt (Rutaceae)

Quýt thuộc nhóm cây có múi (cùng họ với cây cam, chanh, bưởi,...), có nguồn gốc ở Đông Nam á, đây là giống cây sinh trưởng khỏe, cho năng suất cao. Bên trong một quả quýt chứa rất nhiều Vitamin A, kali, Canxi,... giúp chống lại sự phá vỡ acid uric trong máu, điều hòa quá trình trao đổi chất của cơ thể.

Hiện nay, quýt được trồng nhiều ở các tỉnh miền Bắc (Hải Dương, Hưng yên,...) và Nam Bộ (Vĩnh Long, Đồng Tháp, Tiền Giang, Cần Thơ, Bến Tre,..) [1],[2].

Có thể nhận biết cây quýt thông qua một vài đặc điểm sau:

  • Thân, cành: quýt thuộc loại thân gỗ, dạng bán bụi, cành phân tán mạnh. Khi cây còn nhỏ, trên thân và cành có nhiều gai nhọn; Khi cây già, các gai bắt đầu rụng dần.
  • Lá: thường có đuôi chẻ lõm xuống ở mút lá, có nhiều hình dạng khác nhau (Hình trứng lộn ngược, hình oval, hình thoi,...).
  • Hoa: mọc thành chùm có 5 cánh hoa hoặc đơn độc. Màu sắc của hoa tùy thuộc vào từng mùa, mùa hè hoa có màu trắng, sang mùa đông hoa có màu phớt tím.
  • Quả và hạt: có hình cầu hơi dẹp ở hai đầu, màu sắc quả tùy thuộc theo từng giống và điều kiện sinh thái. Hạt quýt phần lớn là đa phôi, khoảng 0 - 13 phôi [1].

Điều kiện sinh trưởng

Nhiệt độ 

  • Cây quýt có thể sinh trưởng và phát triển ở khoảng nhiệt độ dao động từ 13 - 39 độ C, nhiệt độ thích hợp nhất là từ 23 - 29 độ C.
  • Khi nhiệt độ ở mức dưới 13 độ C, cây ngừng sinh trưởng và chết ở thời điểm - 5 độ C [1],[2].

Ánh sáng

  • Cây quýt ưa ánh sáng nhẹ, cường độ ánh sáng thích hợp để cây phát triển dao động từ 10.000 - 15.000lux (tương đương với ánh sáng lúc 9h sáng và 4 - 5h chiều) [1].

Nước

  • Cây quýt yêu cầu lượng nước rất lớn, đặc biệt vào thời kỳ ra hoa tạo quả. Tuy nhiên, quýt lại là loài cây chịu úng kém do bộ rễ ăn nông.

Đất đai

  • Cây quýt thích hợp với các loại đất có tầng canh tác dày từ 0,5 - 1m, thành phần cơ giới đất đạt từ nhẹ đến trung bình.
  • Đất thoát nước tốt, pH từ 5,5 - 7, hàm lượng hữu cơ cao >3%, ít bị nhiễm mặn [1],[2].

Hiệu quả kinh tế

Hiệu quả kinh tế
Hiệu quả kinh tế từ trồng quýt
  • Ngoài việc cung cấp nhiều dinh dưỡng và khoáng chất, quả quýt còn mang lại nhiều lợi ích khác cho người sử dụng như hạn chế béo phì, tăng cường hệ miễn dịch, ngăn ngừa sỏi thận, chứa nhiều chất chống oxy hóa, làm đẹp da,....
  • Năm 2021, theo ước tính của Sở Nông Nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Bắc Kạn, sản lượng quýt tại địa bàn tỉnh khoảng 17.700 tấn. Trong đó, huyện Bạch Thông có diện tích trồng quýt lớn nhất tỉnh với 1.414ha [4].

 

Tài liệu tham khảo

[1] KS Nguyễn Đức Cường (2010), Kỹ thuật trồng Cam, quýt, bưởi. Nhà xuất bản Khoa học Tự nhiên và Công nghệ.

[2] Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Hậu Giang - Trung tâm khuyến nông (2017), Kỹ thuật trồng và chăm sóc quýt đường.

[3] Ánh Nhiên (2021), Quả quýt và những lợi ích tuyệt vời đối với sức khỏe. Báo lao động.

[4] Hương Lan (2021), Dự ước sản lượng cam, quýt năm 2021 đạt trên 24.500 tấn. Sở Nông Nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Bắc Kạn.