Sầu riêng là cây ăn quả nhiệt đới, có nguồn gốc từ khu vực Đông Nam Á. Trái sầu riêng có mùi vị đặc biệt, có giá thành cao và đem lại giá trị lợi nhuận lớn cho bà con nông dân. Hiện nay, sầu riêng đã được biết đến rộng rãi ở cả châu Âu và châu Phi.
Giới thiệu chung về cây sầu riêng
Tên thường gọi: Sầu riêng.
Tên khoa học: Durio Zibethinus L.; thuộc họ Bombacaceae.
Sầu riêng mang lại nhiều hàm lượng dinh dưỡng đối với cơ thể con người như chất béo, vitamin, chất xơ, protein,... Quả có thể dùng để ăn tươi, chế biến, bảo quản, dự trữ, thân sầu riêng cũng có thể làm gỗ khi cây hết khả năng thu hoạch.
Đặc điểm hình thái của cây sầu riêng
- Thân: Thân cây mọc thẳng, có thể đạt chiều cao từ 27 - 40m, trên bề mặt thân khá xù xì, bong tróc, đạt đường kính tối đa 1,2m [2].
- Lá: Lá xanh bóng, mọc xen kẽ, có hình mũi mác hoặc hình elip, tròn ở gốc và nhọn ở đỉnh, phía dưới mặt lá có lông mỏng [2].
- Hoa: Hoa 3 cánh, rộng từ 5 - 7,5cm, đài hoa hình chuông, mọc thành từng cụm dày đặc [2].
- Trái: Trái sầu riêng có hình thuôn dài đến gần tròn, dài 15 - 30cm, rộng 12,5 - 15cm, vỏ dày có màu vàng xanh, nhiều gai nhọn, thịt trái khi chín có màu vàng, mềm và có mùi vị đặc biệt [2].
Điều kiện sinh trưởng cây sầu riêng
Điều kiện đất đai
- Đất trồng sầu riêng cần thoát nước tốt, không nhiễm mặn, không ngập úng, phải tơi xốp và giàu mùn.
- Tầng canh tác đất đạt 1m trở lên, đất có độ pH từ 5 - 6 [1].
Điều kiện nhiệt độ
- Sầu riêng ưa khí hậu nóng, ẩm. Cây phát triển tốt nhất trong ngưỡng nhiệt độ từ 24 - 30°C. Nhiệt độ quá thấp sẽ gây rụng hoa và ngừng sinh trưởng [3].
Điều kiện độ ẩm và lượng mưa
- Cây sầu riêng cần nhiều nước, lượng mưa phù hợp nhất đạt 1500 - 3000mm/năm [3].
- Lượng mưa phải phân bố đều và mùa khô không nên kéo dài quá 3 tháng, khi trái chín, mưa nhiều sẽ làm thịt trái bị nhão [3].
- Độ ẩm không khí tối ưu nhất ở ngưỡng 75 - 80% [3].
Điều kiện ánh sáng
- Cây sầu riêng có tán rộng nên cần nhiều ánh sáng, không nên trồng với mật độ dày đặc, làm cây phát triển kém.
Hiệu quả kinh tế cây sầu riêng
Sầu riêng có giá trị kinh tế cao hơn so với các loại cây ăn trái khác và được coi là cây ăn trái cao cấp, đắt tiền. Nếu bà con nông dân trồng sầu riêng đúng kỹ thuật sẽ mang lại lợi nhuận rất lớn.
Năng suất trung bình của cây sầu riêng đạt khoảng 40 tấn/ha, giá trị trung bình là 20 - 25 tấn/ha/vụ.
Tài liệu tham khảo
[1] BBT Sở NN & PTNT tỉnh Bình Phước (2018), Kỹ thuật trồng cây sầu riêng, Sở NN & PTNT tỉnh Bình Phước.
[2] Purdue.edu, Durian Durio zibethinus L.
[3] Chi cục TT&BVTV Vĩnh Long (2019), Quy trình kỹ thuật canh tác tạm thời cây sầu riêng (Durio) ở tỉnh Vĩnh Long.
[4] Lê Văn Đơn (2021), Hiện tượng cháy lá sầu riêng trong mùa khô nguyên nhân và giải pháp, Sở khoa học và công nghệ tỉnh Bến Tre.