Kỹ thuật chọn giống lúa

Kích thước chữ

Hiện nay, trên thị trường có rất nhiều giống lúa mới được nghiên cứu, lai tạo, có thời gian sinh trưởng ngắn, cho chất lượng gạo cao, kháng được nhiều loại sâu bệnh,...  Bà con nên chọn giống lúa phù hợp với mùa vụ và điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương để cây lúa phát triển khỏe mạnh và đạt được năng suất tốt nhất.

Các giống lúa năng suất cao hiện có trên thị trường

Giống tốt là tiền đề quyết định đến năng suất lúa sau này. Hạt giống khỏe, chất lượng cao sẽ giúp năng suất lúa của bà con tăng từ 5 - 20% [1].

Dưới đây là một số giống lúa tiêu biểu, cho năng suất cao và được trồng phổ biến mà bà con có thể tham khảo:

Giống OM 5451 [2]

Giống lúa OM 5451
Giống lúa OM 5451
  • Giống có khả năng chịu phèn, chịu mặn khá, chống chịu với đạo ôn cấp 4 và rầy nâu cấp 4 - 6. Hạt gạo dài, mềm cơm, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu.
  • Thời gian sinh trưởng của OM 5451 khoảng 88 - 93 ngày, có thể canh tác được ở tất cả các vụ trong năm. Năng suất của giống này đạt khoảng 6 - 9 tấn/ ha.

Giống Đài thơm 8 [3]

Giống lúa đài thơm 8
Giống lúa đài thơm 8
  • Lúa giống Đài thơm 8 sinh trưởng, phát triển tốt, đẻ nhánh khỏe, có khả năng thích nghi rộng, chống chịu sâu bệnh tốt. Hạt gạo trắng trong không bạc bụng, cơm trắng, dẻo, thơm.
  • Thời gian sinh trưởng của giống này từ 100 - 105 ngày, thường được canh tác vào vụ Hè - Thu và Đông - Xuân (vụ Xuân và vụ Mùa). Năng suất trung bình đạt từ 6 -7 tấn/ha/ vụ [1].

Giống nếp cái hoa vàng [4]

Giống lúa nếp cái hoa vàng
Giống lúa nếp cái hoa vàng
  • Giống có khả năng chống đổ khá tốt; chịu phèn, chua và trũng khá; dễ bị sâu đục thân; nhiễm trung bình đến nặng với rầy nâu, nhiễm vừa đến nặng với bệnh đạo ôn.
  • Thời gian sinh trưởng là 150 - 155 ngày, thích hợp trồng vào vụ Mùa ở các tỉnh trung du Bắc Bộ. Năng suất trung bình: 35 - 45 tạ/ ha.

Giống RVT [5]

Giống lúa RVT
Giống lúa RVT
  • Giống có khả năng chống đổ, chịu phèn, mặn và rét tốt. Kháng với nhiều loại sâu bệnh như: rầy nâu, đạo ôn, khô vằn, bạc lá,.. Hạt gạo thon, dài, bóng, cơm ngon, dẻo, đậm vị. 
  • Thời gian sinh trưởng của giống RVT khoảng 100 - 130 ngày, có thể trồng khắp ở các vùng trên cả nước. Năng suất đạt 6 - 7 tấn/ ha.

Giống ST25 [3]

Giống lúa ST25
Giống lúa ST25
  • Giống ST25 có thân cứng, hạn chế đổ ngã, khả năng chịu mặn tốt, kháng được bệnh bạc lá và đạo ôn cấp 2. Hạt gạo dài, thon, trắng, cơm mềm dẻo, được đánh giá là gạo ngon nhất thế giới năm 2019. 
  • Thời gian sinh trưởng của giống này từ 95 - 100 ngày. Năng suất trung bình đạt 6,5 - 7 tấn/ ha.

Cách chọn giống lúa tốt

Cách chọn giống lúa đạt năng suất cao
Cách chọn giống lúa đạt năng suất cao

Để cây lúa sinh trưởng tốt, cho năng suất cao, ngoài lựa chọn giống thích hợp theo mùa vụ và điều kiện ngoại cảnh, thì hạt lúa được chọn làm giống phải đạt được một số tiêu chuẩn như sau [6]

  • Giống phải được Bộ Nông nghiệp & PTNT công nhận chính thức và nằm trong cơ cấu giống của tỉnh.
  • Hạt giống phải thuần chủng, không lẫn những giống khác, sạch hạt cỏ dại, lúa cỏ (lúa ma).
  • Giống đồng nhất về kích cỡ khỏe, sạch bệnh, không bị côn trùng phá hoại.
  • Hạt giống sáng, mẩy, ít hạt lép, chỉ được chấp nhận 0,5% hạt lép bị lẫn trong hạt giống.
  • Hạt giống phải được xác nhận là có tỉ lệ nảy mầm cao trên 85%.

 

Tài liệu tham khảo

[1] Trung tâm khuyến nông tỉnh Bạc Liêu, 2018. Kỹ thuật chọn hạt giống lúa khỏe và xử lý giống trước khi gieo sạ, Cổng thông tin điện tử tỉnh Cà Mau.

[2] Viện Lúa Đồng bằng Sông Cửu Long, 2022. Giới thiệu đặc tính các giống lúa OM vụ Đông Xuân 2021 - 2022, Viện khoa học nông nghiệp Việt Nam, trang 18.

[3] Nguyễn Trung Thành, 2021. Giới thiệu một số giống lúa thích hợp cho vụ Đông xuân 2021-2022, Khuyến Nông Hậu Giang.

[4] Đoàn Nhân Ái và ctv, 2011. Nghiên cứu tuyển chọn và phát triển giống lúa chất lượng cao và lúa đặc sản cho tỉnh Thừa Thiên Huế, Bộ Nông nghiệp và PTNT, trang 14.

[5] Tài liệu mạng: 2016, Về giống lúa thơm RVT. 

[6] Tài liệu tập huấn kỹ thuật ICM trên cây lúa. Sở NN&PTNT Thanh Hóa, trang 18, 19.