Kỹ thuật chọn giống cây vú sữa

Kích thước chữ

Hiện nay, ở nước ta có rất nhiều giống vú sữa khác nhau, mỗi giống đều có một mùi vị đặc trưng riêng. Bà con có thể lựa chọn giống vú sữa dựa vào điều kiện khí hậu, đất đai tại địa phương và nhu cầu khách hàng.

Một số giống được trồng phổ biến hiện nay

Vú sữa Lò Rèn

Một số giống được trồng phổ biến hiện nay
Vú sữa Lò Rèn
  • Vú sữa Lò Rèn là đặc sản của vùng Đồng Bằng Sông Cửu Long, được trồng chủ yếu ở các tỉnh như Tiền Giang, Bến Tre, Đồng Tháp, Vĩnh Long, Cần Thơ,... 
  • Quả khi chín có màu xanh bóng, dưới đáy quả chuyển sang màu hồng tím, quả mọng nước, có vị ngon, ngọt, trọng lượng trung bình của 1 quả khoảng 150 - 220g.

Vú sữa Bắc Thảo

Một số giống được trồng phổ biến hiện nay
Vú sữa Bắc Thảo
  • Vú sữa Bắc Thảo, hay còn gọi là vú sữa Bách Thảo, vú sữa Tím, được trồng nhiều ở các tỉnh miền Tây.
  • Quả hình tròn, khối lượng trung bình khoảng 350 - 400g, màu xanh, hơi dẹt hai bên đầu, khi chín chuyển sang màu nâu tím, thịt quả màu trắng, mềm, vị ngọt thanh.

Vú sữa Bơ Đồng Tháp

Một số giống được trồng phổ biến hiện nay
Vú sữa Bơ Đồng Tháp
  • Giống này được trồng chủ yếu ở huyện Châu Thành, Đồng Tháp.
  • Quả tròn, kích thước quả khá lớn (khoảng 5 quả/kg), khi chín có màu trắng sữa, vỏ mỏng, thịt dày và mềm, vị ngọt thanh.

Vú sữa Hoàng Kim

Một số giống được trồng phổ biến hiện nay
Vú sữa Hoàng Kim
  • Vú sữa Hoàng Kim hay còn gọi là vú sữa Vàng, có nguồn gốc từ Đài Loan, hiện đang được trồng phổ biến ở các tỉnh vùng ĐBSCL và miền Đông Nam Bộ.
  • Quả hơi tròn, có một núm nhỏ ở dưới đáy, khi chín chuyển sang màu vàng đẹp mắt, vỏ mỏng, thịt dày, chỉ có một hạt duy nhất, trọng lượng trung bình của quả khoảng 300 - 350g [1].

Kỹ thuật chọn gốc ghép

Kỹ thuật chọn gốc ghép
Kỹ thuật chọn gốc ghép cây vú sữa
  • Gốc ghép là những cây được gieo trồng từ các hạt giống khỏe mạnh, không nhiễm sâu bệnh.
  • Ưu tiên chọn các giống vú sữa tại địa phương hoặc giống có sức chống chịu với điều kiện ngoại cảnh cao để làm gốc ghép.
  • Nếu nhập hạt giống hoặc gốc ghép ở nơi khác về sẽ khiến cây khó thích nghi, chậm phát triển.
  • Cây làm gốc ghép phải đạt từ 8 đến 12 tháng tuổi [2].

Kỹ thuật chọn cành ghép

  • Cành ghép được lấy từ các giống vú sữa có khả năng sinh trưởng mạnh, tuổi thọ từ 5 - 10 năm, không có sâu bệnh, cây cao lớn, cho quả quanh năm, năng suất cao và ổn định.
  • Nên chọn những cành đã ra từ năm trước, cành ở bìa tán lá và có 2 - 3 nhánh nhỏ, không lấy cành nằm trong tán, cành vượt.
  • Cành ghép có đường kính tương đương với đường kính gốc ghép, có nhiều mắt ngủ để tăng tỷ bật chồi [3],[4].

Lưu ý: Cành ghép sau khi cắt xuống phải tiến hành ghép ngay hoặc nếu vận chuyển xa phải bọc khăn ẩm để cành không bị khô.

Kỹ thuật chọn mắt ghép

  • Mắt ghép được tuyển chọn từ những cây mẹ có sức sinh trưởng tốt, sạch bệnh, năng suất và chất lượng quả cao, ổn định.
  • Ưu tiên lấy mắt trên những cành đã ra từ năm ngoái, vỏ cành đã chuyển sang màu nâu xám.
  • Không nên lấy mắt ghép từ những cành non, cành nhiễm sâu bệnh, cành vượt mọc ngoài tán cây [2].

Lưu ý: Chỉ cắt mắt ghép khi chuẩn bị ghép, không cắt sẵn để tránh làm khô mắt, tỷ lệ thành công thấp.

 

Tài liệu tham khảo

[1] Cây Việt Nam (2020), Top 5 loại vú sữa nổi tiếng ở Việt Nam.

[2] Trung tâm Chuyển giao Công nghệ và Hợp tác Trang trại VietGap - Viện nghiên cứu Giống cây trồng Trung Ương, Kỹ thuật trồng và chăm sóc cây vú sữa.

[3] Kỹ thuật chăn nuôi - trồng trọt trong nông nghiệp, Nhân giống vú sữa bằng phương pháp ghép cải tiến.

[4] Sở Nông nghiệp & PTNT Tiền Giang (2011), Kỹ thuật nhân giống cây vú sữa.