Kỹ thuật gieo trồng là một trong những yếu tố quan trọng, quyết định khả năng sinh trưởng và phát triển của cây. Gieo trồng không đúng kỹ thuật có thể ảnh hưởng đến tỷ lệ sống của cây khi đưa ra đồng, khiến cây phát triển chậm, sinh trưởng kém, dễ nhiễm bệnh. Bà con cùng tham khảo kỹ thuật trồng bầu sai quả của BSCX sau đây.

Trồng bầu vào tháng mấy

Thời vụ trồng bầu ở Miền Bắc:

  • Thời vụ chính: Tháng 2 - tháng 3 (vụ xuân) và tháng 9 - tháng 10 (vụ thu)
  • Vụ hè: Tháng 6 - tháng 7 (nếu có đủ nước tưới)

Thời vụ trồng bầu ở Miền Trung và Miền Nam:

Ở Miền Trung và Miền Nam có thể trồng bầu quanh năm nếu bà con chủ động được nước tưới. Miền Nam trồng bầu vào mùa nắng từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau cây bầu sẽ cho năng suất cao và ít bệnh hại hơn.

Kỹ thuật lên luống, đào hố trồng bầu

Lên luống trồng bầu
Lên luống trồng bầu

Giống với một số cây cùng họ như dưa leo, bí đao,.., bầu có thân phát triển mạnh mẽ và có thể trồng bằng cách leo giàn hoặc trồng bầu bò đất. Tuy nhiên, hiện nay, đa số người dân chọn cách trồng bầu bò giàn vì cho năng suất cao và dễ chăm sóc.

Dưới đây là các bước lên luống, đào hố trồng cây bầu:

  • Bước 1: Làm tơi đất, băm đất

Dùng các dụng cụ làm đất hoặc máy cày chuyên dụng để  làm đất tơi và nhỏ, đường kính các viên đất ở lớp đất mặt dao động từ 2 - 3cm.

  • Bước 2: Lên luống

Trồng bầu leo giàn: Có thể lên luống thủ công bằng sức người hoặc dùng máy cày chuyên dụng để lên luống. Luống trồng bầu cao 0,3m, rộng 0,7m, tâm luống này cách tâm luống kia 1,5 - 2m [1],[2].

Trồng bầu bò đất: Luống trồng bầu bò đất rộng 3,5m cao 30cm, trồng 2 hàng giữa luống, khoảng cách trồng cây cách cây 40-50cm hàng trồng cách mép luống 15-20cm, hàng cách hàng 2.5-3m. 

Chuẩn bị bạt hoặc rơm để phủ luống, hạn chế cỏ dại, giữ ẩm cho đất, tránh trái tiếp xúc với đất dễ hỏng, thối. Tiến hành bón lót trước khi phủ bạt, rơm.

  • Bước 3: San phẳng mặt luống

Dùng cào, cuốc bang phẳng mặt luống. Việc làm này nhằm hạn chế nước đọng trên mặt luống khi trời mưa, tạo điều kiện cho cây sinh trưởng và phát triển tốt.

  • Bước 4: Cuốc hố bón phân lót

Đào hố có kích thước 50 x 50 x 30cm, hố cách hố từ 0,8 -1m, sau đó bón phân lót và lấp hố lại [1].

Kỹ thuật xuống giống bầu

Xuống giống cây bầu
Xuống giống cây bầu

Thời điểm thích hợp trồng bầu

  • Trồng cây vào lúc sáng sớm hoặc chiều mát, trời ít nắng để hạn chế việc cây mất sức do thoát quá nhiều hơi nước.

Mật độ, khoảng cách trồng bầu

Trồng bầu leo giàn: Cây bầu sẽ được trồng với khoảng cách cây cách cây 80cm, hàng cách hàng 100cm [1]. Lượng hạt giống cần cho 1 ha: 300 - 400g [2].

Trồng bầu bò đất: Cây cách cây 0,8-1m hàng cách hàng 2,5-3m lượng hạt giống cần cho 1ha: 200 - 300g

Các bước trồng cây

  • Bước 1: Trên luống đã được lên sẵn, tiến hành đào một hố nhỏ, có kích thước vừa với kích thước của bầu đất cây giống.
  • Bước 2: Cầm cây bầu đặt nhẹ nhàng xuống hố sau đó vun đất, nén chặt xung quanh gốc để cây không bị đổ khi tưới nước.
  • Bước 3: Tưới ướt đẫm vùng đất trồng cây, đảm bảo độ ẩm đất từ 80 - 85%. 

Lưu ý: Trước khi gieo trồng ra ruộng, bà con không nên tưới trong vòng 2 - 3 ngày để cho cây làm quen với tình trạng thiếu nước, khi trồng ra ruộng cây sẽ sinh trưởng và phát triển tốt [1].

Xem thêm Kỹ thuật trồng bầu

Cách khoanh dây bầu - Kỹ thuật trồng bầu nhiều quả lâu tàn

Cách làm cây bầu ra nhiều hoa cái

Tài liệu tham khảo

[1] Trần Văn Dư và cvt, Giáo trình mô đun trồng và chăm sóc bầu. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trang 22, 23.

[2] Tài liệu mạng. Kỹ thuật trồng bầu, trang 1.