Kỹ thuật trồng cây bưởi

Kích thước chữ

Kỹ thuật trồng cây quyết định rất lớn đến sự sinh trưởng, khả năng ra hoa, tạo quả của cây. Để có một vườn bưởi khỏe mạnh, ít nhiễm nấm bệnh, cho năng suất cao, bà con có thể tham khảo một số kỹ thuật ở bài viết dưới đây.

Kỹ thuật đào hố, lên luống

Kỹ thuật đào hố

Đào hố trồng cây bưởi
Đào hố trồng cây bưởi
  • Đối với các dụng cụ sử dụng để đào hố, cần phải vệ sinh sạch sẽ để tránh xuất hiện nấm bệnh gây hại cây.
  • Kích thước hố trồng tùy thuộc vào điều kiện đất đai của từng vùng, thông thường kích thước hố để trồng một cây bưởi là chiều rộng x chiều sâu = 0,8 x 0,8m [1].
  • Nếu vùng có đất xấu thì có thể đào sâu hơn, tuy nhiên không nên đào sâu quá vì dễ gặp tầng sinh phèn khiến cho cây bưởi khó sống.

Kỹ thuật lên luống

  • Luống trồng bưởi phải đủ cao, rộng để giữ ẩm tốt vào mùa khô và thoát nước tốt vào mùa mưa.
  • Thông thường, luống trồng bưởi cao khoảng 30 - 40cm, khoảng cách giữa các luống khoảng 5m [2].

Kỹ thuật bón lót

Sau khi đào hố, bà con cần bón lót để cây sau khi trồng có đủ dinh dưỡng để sinh trưởng phát triển.

Lượng phân cần sử dụng tính cho 1 hố trồng bưởi là:

  • 50-80kg phân chuồng hoại mục
  • 1kg vôi bột
  • 0,5-1kg Kali sunfat
  • 1-1,5kg Supe lân
  • BS07 - Trichoderma

Trộn đều đất và lượng phân bón phía trên sau đó lấp hố. Khoảng 1 tháng sau khi bón lót, bà con có thể tiến hành trồng cây.

Kỹ thuật trồng cây bưởi

Cách trồng cây mới bứng
Cách trồng cây bưởi

Thời điểm trồng cây 

  • Bưởi là loại cây có thể trồng quanh năm, tuy nhiên bà con nên trồng vào cuối mùa khô, đầu mùa mưa để tiết kiệm công tưới.
  • Thời điểm thích hợp nhất để trồng bưởi là tháng 5 và tháng 6 dương lịch hàng năm [3].

Các bước trồng cây

  • Bước 1: Trồng cây

- Dùng dao rạch đáy bầu sau đó nhẹ nhàng đặt cây xuống giữa hố sao cho mặt bầu nhô cao hơn mặt hố khoảng 3cm.

- Kéo từ từ bao nilon ra khỏi bầu, lấp đất lại và ém nhẹ đất xung quanh, không ém quá mạnh sẽ làm bí đất, cây khó sống [1] [3].

  • Bước 2: Tỉa cây

- Sau khi trồng, bà con nên tỉa bớt lá trên cây để hạn chế quang hợp, giúp cây tập trung phát triển bộ rễ.

  • Bước 3: Cố định cây

- Tại mỗi cây, cắm một cọc nhỏ rồi buộc cây vào để cho cây không bị đổ ngã khi gặp mưa gió.

  • Bước 4: Tủ gốc, giữ ẩm

- Dùng cỏ mục tủ gốc và thường xuyên tưới nước để cung cấp đủ độ ẩm cho cây con sinh trưởng [1].

 

Tài liệu tham khảo

[1] TS. Ngô Hồng Bình và cộng sự. (2008), Kỹ thuật trồng bưởi, bảo quản và chế biến, Nhà xuất bản Nông nghiệp, Hà Nội.

[2] Cây xanh Hoàng Gia. Kỹ thuật trồng và chăm sóc cây bưởi cho năng suất cao.

[3] Tuyết Mai (2009), Kỹ thuật trồng và chăm sóc bưởi da xanh. Sở Khoa học và Công Nghệ tỉnh Bến Tre.