Kỹ thuật xử lý đất trồng cà rốt

Kích thước chữ

Yêu cầu về đất trồng đối với cây cà rốt tương đối cao. Vì vậy, việc chọn lựa và xử lý đất là một trong các bước vô cùng quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng và năng suất của cây.

Điều kiện tính chất đất phù hợp với cây cà rốt

Củ cà rốt nằm trong lòng đất, là bộ phận chính đem lại nguồn lợi kinh tế cho người trồng. Để củ phát triển thuận lợi, cho phẩm chất tốt, năng suất cao, cần chọn trồng cà rốt trên những nền đất có các yếu tố như sau [1],[2]:

  • Đất tơi xốp, tầng đất canh tác phải sâu hơn 30cm, nhiều mùn và giàu dinh dưỡng.
  • Đất thoát nước tốt, không ngập úng, độ ẩm đất từ 60 - 70%.
  • pH đất trồng dao động từ 5,5 - 6,5. Nếu pH đất không nằm trong khoảng này (pH quá cao hoặc quá thấp), cây cà rốt sẽ không thể sống và phát triển được.
  • Vùng đất trồng cây phải cách xa khu công nghiệp, nhà máy, bệnh viện,.. tránh tiếp xúc với nguồn nước thải ô nhiễm.

Một số loại đất thích hợp để trồng cà rốt, được các chuyên gia và kỹ sư nông nghiệp khuyến cáo là: đất thịt nhẹ, đất cát pha, đất phù sa, đất ven các con sông hoặc bãi bồi.

Lưu ý: Bà con nông dân không nên trồng cây cà rốt ở những nền đất có thành phần cơ giới nặng, thoát nước kém. Cà rốt trồng ở những loại đất này sẽ cho năng suất thấp, dễ nhiễm nấm bệnh, thậm chí có thể gây thua lỗ khi trồng.

Xử lý, cải tạo đất trước khi gieo trồng cà rốt

Đối với bất kì loại cây hay rau màu nào, trước khi gieo trồng đều phải tiến hành xử lý và cải tạo đất. Việc xử lý, cải tạo đất trước gieo trồng giúp tiêu diệt mầm bệnh, bảo vệ cây con trước các tác nhân gây hại từ đất, đồng thời cải thiện độ tơi xốp, giúp hạt mau chóng nảy mầm, cây con phát triển khỏe mạnh.

Xử lý và cải tạo đất trồng cây cà rốt có thể chia thành các bước sau đây:

  • Bước 1: Vệ sinh đồng ruộng

Dọn dẹp cỏ dại và tàn dư thực vật ở vụ mùa trước, sau đó tiến hành thu gom, tiêu hủy chúng trước khi gieo trồng cây mới.

  • Bước 2: Bón vôi
Bón vôi cho đất trồng cà rốt
Bón vôi cho đất trồng Cà Rốt

Bón vôi giúp khử trùng đất, tiêu diệt mầm bệnh, điều chỉnh độ pH cho phù hợp với cây cà rốt. Lượng vôi có thể bón cho đất trồng cà rốt là 0,8 - 1 tấn/ ha [1],[3].

  • Bước 3: Cày sâu, phơi ải
Cày ải đất trồng cà rốt
Cày ải đất trồng Cà Rốt

Sau khi bón vôi, bà con nên tiến hành cày sâu, phơi ải cho đất trồng. Công việc này không những giúp đất tơi xốp mà còn góp phần thay đổi môi trường sống của vi sinh vật có hại, tiêu diệt mầm bệnh nằm sâu trong lòng đất.

  • Bước 4: Bón lót

Tiến hành bón lót phân chuồng hoai mục cho cây cà rốt sau khi bón vôi từ 10 - 15 ngày. Phân sẽ được trộn và rải đều trên mặt luống hoặc các đường rãnh với tỉ lệ 8 - 8,5 tấn/ ha.

  • Bước 5: Xử lý đất bằng BS07 - Trichoderma 
Xử lý đất trồng cà rốt bằng Trichoderma
Xử lý đất trồng cà rốt bằng Trichoderma

- Sau khi bón vôi từ 10 - 15 ngày, bà con pha BS07 - Trichoderma với liều lượng 1kg BS07 hòa với 200 - 400 lít nước, tưới đều và đẫm trên đất trồng. Có thể bón cùng lúc phân bón lót và Trichoderma để tiết kiệm thời gian xử lý đất.

- BS07 Trichoderma giúp tiêu diệt nấm bệnh tồn tại trong đất, phân bón. Đồng thời Trichoderma còn có khả năng phân giải các chất hữu khó tan trong đất, giúp đất tơi xốp, cây dễ hấp thu các chất dinh dưỡng.

 

Tài liệu tham khảo

[1] Nguyễn Bình Nhự và ctv. Giáo trình mô đun lập kế hoạch và chuẩn bị trước khi trồng. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trang 5, 31.

[2] 2019. Quy trình tạm thời kỹ thuật canh tác cây cà rốt baby ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng, trang 3.

[3] Phạm Thanh Hải. Giáo trình mô đun trồng rau nhóm ăn củ. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trang 5.