Kỹ thuật gieo trồng cây dâu tây

Kích thước chữ

Để quá trình gieo trồng diễn ra thuận lợi, bà con cần tiến hành lên luống, đào hố. Việc làm này còn giúp cho quá trình chăm sóc cây dâu tây sau này diễn ra thuận lợi, hạn chế được nhiều loại sâu bệnh gây hại cho cây. Sau đây , chúng tôi sẽ cùng bà con tìm hiểu về kỹ thuật gieo trồng để có được một vườn dâu tây đạt chuẩn và cho năng suất cao.

Kỹ thuật lên luống, đào hố cho cây dâu tây

Đối với phương pháp canh tác truyền thống

Lên luống

Lên luống trồng dâu tây
Lên luống
  • Đối với đất thấp: Lên luống cao từ 20 - 25cm,  rộng từ 1,2 - 1,3m, mỗi luống cách nhau từ 30 - 40cm.

  • Đối với đất cao: Lên luống cao từ 15 - 20cm, chiều rộng và khoảng cách luống tương tự như ở vùng đất thấp [1].

Đào hố

Đào hố trồng dâu tây
Đào hố trồng cây
  • Hố trồng phải đào to để phần rễ có thể nằm hết vào trong đất.

  • Không đào hố quá sâu hoặc quá nông. Vì nếu quá sâu, mầm sẽ bị vùi trong đất, khi tưới nước mầm sẽ bị thối hoặc phát triển chậm, lâu ra hoa và tạo quả. Ngược lại, phần thân sẽ bị hở trên mặt đất, thân cây dễ bị khô, khó mọc rễ [2].

Đối với phương pháp canh tác áp dụng khoa học công nghệ cao

Chuẩn bị giá thể

Cần lựa chọn và sử dụng giá thể có ẩm độ phù hợp và có độ pH nằm trong khoảng 6.0 - 6.5 để tạo điều kiện tốt nhất cho sự sinh trưởng của cây. Bà con có thể tham khảo 3 cách trộn giá thể cho hiệu quả cao sau đây [3]:

  • Cách 1: Trộn Xơ dừa + trấu hun với tỷ lệ 2:1.

  • Cách 2: Trộn xơ dừa + trấu hun (đất sạch) + phân hữu cơ (phân chuồng ủ hoai mục) với tỷ lệ 7:2:1.

  • Cách 3: Sử dụng hoàn toàn 100% xơ dừa sạch.

Kỹ thuật xuống giống cây dâu tây

Xuống giống dâu tây
Xuống giống dâu tây

Phương pháp nhân giống phổ biến nhất thường được bà con nông dân áp dụng trên cây dâu tây là phương pháp chiết ngó. Vì vậy, khi trồng cây ra vườn, bà con cần đặc biệt chú ý đến những điểm sau đây [2],[3]:

Mật độ trồng

  • Trồng trên ruộng: Thông thường, dâu tây được trồng theo hàng đôi theo kiểu nanh sấu, mật độ giữa các cây khoảng 18 - 20cm x 25 - 30cm. ( Cứ 667m2 có thể trồng được 7.400 - 8.200 cây).

  • Trồng trên máng giá thể: Trong 2 hàng theo kiểu nanh sấu, cây cách cây 35 - 40cm.

  • Trồng trên thanh giá thể: Trồng hàng đơn theo các lỗ đã được đục sẵn với khoảng cách giữa các cây từ 35 - 40cm. Có thể trồng từ 1 đến 3 tầng tùy theo điều kiện  canh tác.

  • Trồng trong chậu: Xếp chậu theo hàng đơn hoặc hàng đôi, khoảng khoảng cách giữa các chậu từ 40 - 45cm tính từ tâm chậu (mật độ khoảng 45.000 - 60.000 cây/ha).

Định hướng cho cây trồng

  • Do quá trình chăm sóc tốt nên phần thân mầm ngắn thường có hình vòng cung, bà con nên đặt phần lưng cong hướng ra ngoài, vì cuống hoa thường mọc ra từ chỗ phình ra ở hình vòng cung đó.

  • Việc làm này giúp cuống hoa sau này có thể hướng ra ngoài, vừa tạo được màu sắc đẹp cho quả, vừa thuận tiện cho quá trình thu hoạch.

Ấn mầm sau khi trồng

Ấn mầm dâu tây
Ấn mầm dâu tây
  • Sau khi trồng, bà con dùng tay ấn nhẹ phần đất xung quanh để rễ dễ bám vào đất, nâng cao tỷ lệ sống cho cây dâu tây.

Lưu ý: Nên trồng cây vào buổi sáng sớm hoặc chiều mát để hạn chế cây bị mất sức và nên đánh cây có cả đất để hạn chế tổn thương bộ rễ của cây.

 

Tài liệu tham khảo

[1] Cty NN Công nghệ cao NAMIX (2019), “ Cách bước trồng dâu tây trên đất “, namix.vn.

[2] Thanh Huyền (20116), Kỹ thuật trồng dâu tây, NXB Hồng Đức.

[3] Trung tâm Khuyến nông tỉnh Lâm Đồng, “ Quy trình tạm thời kỹ thuật canh tác cây dâu tây ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng “, Sở Nông nghiệp & PTNT tỉnh Lâm Đồng.