Trồng khổ qua đúng kỹ thuật cho năng suất cao, tạo điều kiện, môi trường thích hợp cho cây phát triển, sinh trưởng. Trước khi đem hạt đi gieo trồng, bà con cần lên luống, đào hố để dễ dàng chăm sóc và chống ngập úng cho cây.
Kỹ thuật lên luống, đào hố cho cây khổ qua (Mướp đắng)

Lên luống
-
Hàng đơn: Lên luống rộng từ 0,6 - 0,8m, cao khoảng 20 - 30cm. Kích thước và chiều cao của luống có thể thay đổi tùy vào điều kiện vùng miền hoặc khí hậu của từng vùng.
-
Hàng đôi: Lên luống rộng 1,2 - 1,6m, cao khoảng 20 - 30cm. Mỗi luống trồng 2 hàng, cây cách cây từ 25 - 30cm (trồng dày) hoặc 50 - 60cm (trồng thưa), để cây có đủ không gian phát triển về sau [1],[2].
Phủ màng
-
Bước 1: Lựa chọn màng phủ
Bà con nên sử dụng màng phủ nông nghiệp có phổ rộng từ 1 - 1,2m (cho hàng đơn) hoặc 1,4 - 1,6m (cho hàng đôi). Trung bình cần khoảng 400m màng phủ cho 1000m2 nếu trồng khổ qua theo hàng đôi. Tuy nhiên, có thể tùy theo kích thước luống mà bà con có thể thay đổi sao cho phù hợp với luống nhà mình.
-
Bước 2: Cố định màng phủ nông nghiệp
Kéo màng phủ thật căng rồi dùng ghim tre hoặc đắp đất lại để cố định màng phủ.
-
Bước 3: Tạo lỗ trồng cây
Tùy theo mật độ trồng mà ta có thể tạo lỗ dày hay thưa, đường kính giữa mỗi lỗ dao động từ 5 - 7cm để cây có không gian sinh trưởng và phát triển thoải mái.
Sử dụng màng phủ nông nghiệp có thể hạn chế tình trạng mất nước cho cây, ngăn ngừa cỏ dại phát triển, tiết kiệm được nguồn nước và phân bón,... Ngoài ra còn giữ được độ tơi xốp của đất và tăng chất lượng nông sản.
Đào hố, đào lỗ
-
Đào hố, đào lỗ dựa trên kích thước lỗ đã đục trên màng phủ, nên đào hố to hơn bầu ươm cây con và có độ sâu vừa phải, để hạn chế tình trạng tổn thương bộ rễ hay lấp đất che mất cây con.
Kỹ thuật trồng cây khổ qua (Mướp đắng)
Khổ qua là giống cây dễ trồng, có thể trồng khổ qua từ hạt hoặc cây con. Trồng khổ qua ở vườn, ruộng với số lượng lớn nên thực hiện ươm cây con trước khi trồng xuống ruộng, để dễ quản lý, chăm sóc cây trong giai đoạn đầu phát triển còn non, yếu.

Sau khi cây cao khoảng 7 - 10cm và có từ 2 - 3 lá thật thì có thể mang đi trồng. Thời gian trồng nên diễn ra vào lúc sáng sớm hoặc chiều mát để tránh cây bị mất sức.
Các bước xuống giống
- Bước 1: Xuống giống
Chọn những cây khỏe mạnh, không bị nhiễm sâu bệnh hay xây xác để tiến hành gieo trồng. Sau đó, tách nhẹ nhàng cây con ra khỏi khay ươm rồi cho vào hố.
- Bước 2: Tưới nước
Sau khi trồng cây, cần tưới nước để duy trì độ ẩm cho cây con, giúp cây phục hồi và bám rễ vào đất.
Lưu ý: Tránh tưới quá nhiều nước vì có thể làm cây bị úng.
Xem thêm kỹ thuật trồng khổ qua:
Trồng khổ qua có ngắt đọt không
Tài liệu tham khảo
[1] Hạt giống Phú Nông (2021), "Chuẩn bị, xử lý đất trước khi gieo trồng (xới đất, làm cỏ, rải vôi, trộn phân, lên luống,...)", phút 3:28 -4:28.
[2] 2lúa (2011), "Kỹ thuật trồng khổ qua an toàn".