Thanh long cũng giống như những loại cây ăn quả khác, để cây sinh trưởng tốt và cho năng suất cao thì một trong những tiêu chí quan trọng nhất là chọn lựa được giống cây tốt. Bà con nên lựa chọn những giống có khả năng chống chịu tốt, phù hợp với điều kiện môi trường địa phương hoặc nhu cầu của người tiêu dùng,... Tìm hiểu kỹ thuật chọn giống thanh long cùng Bác Sĩ Cây Xanh.
Một số giống thanh long được trồng phổ biến hiện nay
Thanh long ruột trắng Chợ Gạo hay Bình Thuận
- Giống thanh long ruột trắng này có khả năng ra hoa tự nhiên mức trung bình, tập trung từ tháng 4-8 dương lịch.
- Trái có hình thuôn dài, vỏ màu đỏ đến đỏ nâu và có bề mặt khá bóng. Khối lượng trung bình trái dao động từ 360 - 380g [1].
Thanh long ruột đỏ Long Định 1 (H14)
- Giống Long Định 1 là giống lai giữa thanh long ruột trắng Bình Thuận với thanh long ruột đỏ từ Columbia. Giống này có khả năng ra hoa tự nhiên rất mạnh và gần như quanh năm.
- Quả có hình thon dài, vỏ màu đỏ tươi, sáng và bóng đẹp. Khối lượng trái trung bình khoảng 380-400g [1].
Thanh long ruột tím hồng LĐ5
- Giống lai giữa thanh long ruột đỏ Long Định 1 và ruột trắng Chợ Gạo. Cây có khả năng ra hoa mạnh và có thể ra quanh năm.
- Trái có vỏ màu đỏ tươi, sáng, khá bóng, thịt quả màu tím hồng, vị ngọt chua nhẹ, thịt quả khá chắc. Khối lượng trái trung bình khoảng 350 - 400g [1].
Kỹ thuật lựa chọn giống thanh long
- Lựa chọn giống có khả năng chống chịu sâu bệnh hại và sử dụng cây giống khỏe, sạch sâu bệnh [2].
- Chọn giống có điều kiện sinh trưởng phù hợp với khí hậu vùng canh tác để cây có môi trường sinh trưởng phù hợp.
- Chọn các giống cho năng suất cao, khả năng sinh trưởng tốt.
- Nên chọn giống có chất lượng tốt được thị trường ưa chuộng, đáp ứng nội tiêu và xuất khẩu [2].
Kỹ thuật giâm cành thanh long
Ở Việt Nam và một số nước trên thế giới, thanh long thường được nhân giống bằng phương pháp giâm cành, đây là biện pháp sử dụng cành (hom) và bằng kỹ thuật sinh lý tác dụng lên cành để cành sản sinh ra rễ và thân, tạo thành một cây mới hoàn chỉnh.
Các bước giâm cành thanh long
-
Bước 1: Lựa chọn các cành giâm
Tiêu chuẩn để chọn cành giâm:
- Cành có tuổi trung bình từ 1-2 năm tuổi trở lên [1].
- Chiều dài hom tốt nhất từ 40-50cm [1].
- Hom to mập và màu xanh đậm [1].
- Hom không khuyết tật, không bị sâu bệnh [1].
- Các mắt chùm gai phải tốt, nở đều, khả năng nảy chồi tốt [1].
-
Bước 2: Cắt gốc hom
- Phần gốc của hom giống được cắt bỏ khoảng 4cm phần vỏ cành, để lại phần lõi giúp cành nhanh ra rễ và tránh thối gốc.
-
Bước 3: Giâm cành
- Giâm phần lõi hom xuống đất ở những nơi thoáng mát 10-15 ngày rồi mới đem trồng
Ưu điểm của giâm cành
- Phương pháp giâm cành giúp giữ được đặc tính di truyền của cây mẹ.
- Cây nhân giống bằng phương pháp giâm cành thì thời gian cho quả sớm [1].
- Hệ số nhân giống cao [1].
Nhược điểm
- Nếu không lựa chọn kỹ thì cành giâm có thể nhiễm mầm bệnh từ cây mẹ không sạch bệnh.
- Phương pháp giâm cành chỉ dùng với những loại dễ ra rễ [1].
Chọn giống thanh long còn được xem là một quyết định đầu tư dài hạn. Vì thế, ngoài các thông tin trên đây, bà con hãy dành thời gian tìm hiểu, tham khảo ý kiến của các chuyên gia và kỹ sư trước khi đưa ra quyết định chọn giống thanh long.
Tài liệu tham khảo
[1] Ts.Võ Hữu Thoại, Ts.Nguyễn Quang Dung, Ts.Đào Xuân Nghi, Ths.Bùi Công Kiêm, CVC.Đoàn Thị Phi Yến, 2021. Sổ tay hướng dẫn kỹ thuật canh tác cây Thanh long thích ứng với biến đổi khí hậu, Bộ Nông nghiệp và phát triển Nông thôn.
[2] Hướng dẫn canh tác cây Thanh long theo tiêu chuẩn VIETGAP, Trung tâm Phân tích và Chứng nhận chất lượng nông nghiệp Hà Nội.
Xem thêm