Thanh long có nguồn gốc từ Trung Mỹ, được xem là một trong những cây ăn quả được trồng phổ biến ở nhiều nước trên thế giới trong đó có Việt Nam.
Giới thiệu tổng quan về cây thanh long
Tên thường gọi: Thanh long
Tên khoa học: Hylocereus undatus thuộc họ Xương rồng (Cactaceae)
Thanh long là loại cây thuộc họ xương rồng có nguồn gốc từ Trung Mỹ, được xem là một trong những cây ăn quả quan trọng của nước ta. Hiện nay, chúng được trồng phổ biến ở nhiều nước trên thế giới như: Việt Nam, Thái Lan, Đài Loan,... Ở nước ta, thanh long được trồng chủ yếu ở các tỉnh: Bình Thuận, Long An, Tiền Giang,... [1].
Cây thanh long có các đặc điểm sau:
Bộ rễ: Gồm rễ địa sinh và rễ khí sinh. Rễ địa sinh phát triển trong đất, hút các chất dinh dưỡng nuôi cây. Rễ khí sinh mọc dọc theo phần thân cây và bám vào trụ để giúp cây leo lên các giá đỡ [2]
Thân, cành: Thân, cành thường có 3 cánh dẹt (một số ít có 4 hoặc 5 cánh), màu xanh. Mỗi cánh chia ra thành nhiều thùy và có chiều dài khoảng 3 - 4cm, mỗi thùy có từ 3 - 5 gai ngắn .
Hoa: Thanh long có hoa lưỡng tính, kích thước lớn, dài khoảng 25 - 35cm, có nhiều đài và các cánh hoa dính vào nhau. Thời gian từ khi có nụ đến khi ra hoa kéo dài khoảng 10 ngày và thường nở tập trung từ 20 - 23 giờ đêm [2].
Quả: Có dạng tròn hoặc oval, đầu lõm sâu vào trong, trên vỏ quả có các vẩy dài hay còn được gọi là tai trái. Phần thịt quả có vị chua nhẹ tới ngọt, nhiều hạt nhỏ, màu đen. Quả có khối lượng dao động khoảng 300 - 500 g/quả, chiều dài từ 10 - 15cm [2].
Hạt: Nằm lẫn trong thịt quả, kích thước nhỏ, có màu đen và được bao quanh bởi lớp hồ [2].
Điều kiện sinh trưởng
Nhiệt độ
Thanh long sinh trưởng và phát triển tốt ở nhiệt độ từ 28°C đến 40°C.
Ở nhiệt độ quá cao hoặc quá thấp sẽ làm hạn chế khả năng phân hóa mầm hoa của cây. nếu nhiệt độ dưới -2°C hoặc trên 45°C cây sẽ không thể phát triển được và sẽ chết ở -4°C [3].
Ánh sáng:
Thanh long chịu ảnh hưởng lớn bởi quang kỳ và chỉ ra hoa trong điều kiện ngày dài nên cây sinh trưởng, phát triển tốt trong điều kiện chiếu sáng tốt.
Tuy nhiên, cường độ ánh sáng và nhiệt độ quá cao cũng sẽ làm ảnh hưởng đến khả năng sinh trưởng và phát triển của cây thanh long.
Nước và độ ẩm
Cây thanh long có khả năng chịu hạn tốt nhưng không thể chịu úng. Tuy nhiên, cần cung cấp đủ nước để cây sinh trưởng và phát triển tốt.
Giai đoạn cần nhiều nước nhất trong quá trình sinh trưởng của cây chính là thời kỳ phân hóa mầm hoa, ra hoa và kết quả [3].
Đất
Thanh long có thể trồng trên nhiều nền đất khác nhau như: Đất thịt pha cát, đất thịt pha sét,... Tuy nhiên, thích hợp nhất vẫn là loại đất thịt pha cát có hàm lượng hữu cơ cao và khả năng thoát nước tốt.
Độ pH phù hợp cho sự phát triển của cây dao động từ 5,5 - 7 [3].
Hiệu quả kinh tế
Thanh long là cây ăn quả có giá trị kinh tế cao, khoảng 80% sản lượng thanh long Việt Nam được xuất khẩu tới hơn 40 quốc gia trên thế giới [4].
Đây là loại quả tươi có giá trị xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, tổng kim ngạch liên tục vượt trên 1 tỷ đô la/năm từ năm 2017 đến nay [4].
Diện tích trồng thanh long ở nước ta khoảng 60,4 nghìn ha, tổng sản lượng đạt 1.243 nghìn tấn (năm 2019). Cây thanh long được trồng trải dài từ Nam tới Bắc, đặc biệt, diện tích gieo trồng thanh long ở các tỉnh miền Nam chiếm đến 94% diện tích trồng thanh long cả nước [4].
Tài liệu tham khảo
[1] Trần Danh Sửu ( Chủ biên), 2017. Kỹ thuật trồng và chăm sóc cây Thanh long, Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia.
[2] Nguyễn Thị Thu Hương, 2021. Luận án tiến sĩ, Nghiên cứu đặc điểm nông sinh học và biện pháp kỹ thuật nâng cao năng suất, phẩm chất thanh long ruột đỏ tại một số tỉnh phía Bắc. Học viện Nông nghiệp Việt Nam.
[3] Ts.Võ Hữu Thoại, Ts.Nguyễn Quang Dung, Ts.Đào Xuân Nghi, Ths.Bùi Công Kiêm, CVC.Đoàn Thị Phi Yến, 2021. Sổ tay hướng dẫn kỹ thuật canh tác cây Thanh long thích ứng với biến đổi khí hậu, Bộ Nông nghiệp và phát triển Nông thôn.
[4] Hướng dẫn canh tác cây Thanh long theo tiêu chuẩn VIETGAP, Trung tâm Phân tích và Chứng nhận chất lượng nông nghiệp Hà Nội.