Kỹ thuật trồng cây quyết định rất lớn đến sự sinh trưởng và phát triển, khả năng cho hoa, tạo quả của cây. Đo đó, để có vườn thanh long khỏe mạnh, ít sâu bệnh và năng suất cao thì cần có kỹ thuật trồng phù hợp. Tìm hiểu kỹ thuật trồng thanh long chuẩn cùng Bác Sĩ Cây Xanh.
Thời vụ trồng thanh long
- Thanh long thường trồng vào khoảng tháng 10-11 dương lịch, thời điểm này nguồn hom giống dồi dào, trùng vào lúc tỉa cành sau thu hoạch. Đây là giai đoạn cuối mùa mưa, độ ẩm còn cao, cây sinh trưởng phát triển nhanh.
- Ở vùng thiếu nước tưới (Bình Thuận, Vũng Tàu,…) thì nên trồng vào đầu mùa mưa (tháng 5 - 6 dương lịch). Thời gian này sẽ thiếu hom giống do đây là thời điểm cây đang ra hoa và mang trái nên không thể cắt tỉa cành.
Mật độ trồng thanh long
- Cây thanh long là cây ưa sáng, nếu trồng ở mật độ dày 2,5 x 2,5m thì cây sẽ cho trái nhỏ, cành đan chéo nhau, khó đi lại chăm sóc vườn.
- Nếu trồng ở mật độ thấp 3,0 x 3,0 m thì cây nhận nhiều ánh sáng, dễ đi lại trong vườn, trái lớn nhưng hiệu quả thắp đèn thấp (phải tăng số bóng đèn, chi phí cao).
- Mật độ tối ưu được nhiều nhà vườn áp dụng hiện nay là: 2,7 x 2,7 m hặc 2,8 x 2,8 m.
Cách trồng thanh long
Trồng theo trụ xi măng
- Trên vùng đất cao: Trước khi đặt hom, bón lót 10-20kg phân chuồng hoai mục kết hợp với 0,5kg lân supe và 0,2-0,5kg vôi/ trụ [1].
- Trên đất thấp: Cần lên mô trước khi trồng và bón lót từ 10-20kg phân chuồng hoai mục + 0,5 kg lân supe + 0,2 - 0,5 kg vôi/ trụ, sau đó lấp một lớp đất mặt xung quanh mô [1].
Cách trồng:
- Bước 1: Đặt 4 hom quanh trụ, nên đặt cạn khoảng 5cm để tránh thối gốc [1].
- Bước 2: Tiến hành áp phần phẳng của hom vào mặt phẳng của trụ để hom nhanh bám rễ vào trụ [1].
- Bước 3: Dùng dây mềm buộc nhẹ hom vào trụ để tránh gió làm lung lay vì rễ chưa phát triển để bám vào trụ. Sau khi đặt hom tưới nhẹ, cần tủ rơm và cỏ khô để giữ ẩm cho đất [1].
Trồng theo giàn chữ T (T- Bar)
- Bước 1: Trước khi trồng 7-10 ngày, tiến hành xới xáo làm cho đất tơi xốp và bón lót 10kg phân chuồng hoai mục + 0,5 kg phân supe lân + 0,5 kg vôi/ô [1].
- Bước 2: Hom thanh long nên được đặt ở độ sâu 2 - 5 cm, sau đó lấp đất lại [1].
- Bước 3: Sau khi trồng, dùng dây cột hom áp sát vào cây tràm/tre đã được cắm sẵn để cố định hom giống, tránh gió làm lung lay, đổ ngã và làm tổn thương bộ rễ cây.
Lưu ý: Nếu trồng vào mùa nắng thì đậy liếp trồng bằng rơm hay mùn dừa để giữ ẩm cho cây [1].
Trồng thanh long đúng kỹ thuật giúp bà con đảm bảo năng suất của trái khi thu hoạch, hy vọng qua bài viết trên bà con đã có thêm được những thông tin bổ ích.
Tài liệu tham khảo
[1] Viện nghiên cứu rau quả (2021), Sổ tay hướng dẫn kỹ thuật canh tác cây Thanh long thích ứng với biến đổi khí hậu, Bộ Nông nghiệp và phát triển Nông thôn.
Xem thêm