Hiện nay, có rất nhiều giống tiêu được trồng ở nước ta, mỗi giống tiêu đều có những đặc điểm sinh trưởng và khả năng chống chịu đặc trưng. Bà con có thể tham khảo bài viết dưới đây để lựa chọn được giống tiêu phù hợp với vùng đất của mình.
Một số kỹ thuật chọn giống hồ tiêu năng suất cao
Các loại giống tiêu được trồng phổ biến hiện nay
Giống tiêu Vĩnh Linh
Tiêu Vĩnh Linh có nguồn gốc từ tỉnh Quảng Trị, đây là giống tiêu có khả năng sinh trưởng khỏe, cành quả vươn rộng, quả to đóng dày trên gié, năng suất cao.
Đặc điểm để nhận biết giống tiêu này là lá thon, dài, màu xanh đậm, gié tiêu dài 8,9cm [1],[2].
Giống tiêu Ấn Độ
Có nguồn gốc từ Ấn Độ, được trồng tại Việt Nam từ năm 1995 tại Bà Rịa Vũng Tàu, sau đó lan rộng ra các tỉnh khác như Gia lai, Daklak, Bình Phước,...
Tiêu Ấn Độ sinh trưởng tương đối khỏe mạnh, lá trùng bình, có gợn sóng rõ ở mép lá, cho quả sớm, quả to, gié quả dài 13,7cm.
Giống tiêu Phú Quốc
Tiêu Phú Quốc có nguồn gốc từ Campuchia, vào thập niên 30-40, chất lượng của nó nổi tiếng trên khắp thị trường quốc tế.
Giống tiêu Phú Quốc có lá trung bình nhỏ, mép lá gợn sóng, cho quả sớm, quả to, chùm quả trung bình. Nhược điểm dễ bắt gặp của giống tiêu này là dễ mắc các bệnh do nấm hại trong đất gây ra [1],[2].
Tiêu Srilanka
Tiêu Srilanka là giống tiêu nhập ngoại và được trồng rộng rãi ở nước ta trong những năm gần đây bởi đây là giống tiêu có khả năng chống chịu điều kiện ngoại cảnh rất tốt và cho năng suất cao. Chiều dài trung bình của mỗi gié khoảng 20-22cm, quả mọc đều nhau, hạt to, cay thơm, mẫu mã đẹp, rất được ưa chuộng trên thị trường các nước Châu Âu và Châu Mỹ [4].
Kỹ thuật chọn vườn lấy hom
Chọn vườn tiêu lấy hom thân
Vườn tiêu đạt từ 12-18 tháng tuổi, các cây trong vườn phải có khả năng sinh trưởng tốt, đồng đều (>95%).
Tránh chọn những vườn có cây bị nhiễm bệnh do nấm hay virus vì sẽ ảnh hưởng đến cây con sau này.
Chọn vườn tiêu lấy hom lươn
Đối với hom lươn, bà con nên chọn lấy hom ở những vườn tiêu từ 5-8 năm tuổi. Sinh trưởng phát triển tốt, không mắc các bệnh virus, tuyến trùng,..., năng suất trung bình đạt 4kg/trụ và phải tương đối ổn định.
Không chọn những dây lươn bò sát mặt đất vì chúng dễ bị nấm bệnh tấn công hoặc bị trầy xước trong quá trình chăm sóc [1],[5].
Chọn cây tiêu lấy hom
Cây được chọn lấy hom phải là cây có khả năng sinh trưởng khỏe mạnh, chống chịu tốt với điều kiện ngoại cảnh bất lợi và sự tấn công của sâu bệnh hại.
Tuyệt đối không chọn những cây đã và đang bị nhiễm bệnh vì mầm mống của chúng có thể lây lan tấn công gây hại cho cây con [1].
Kỹ thuật chọn hom giống
Kỹ thuật chọn hom thân
Cắt một đoạn cách gốc khoảng 50-60cm, chia thành các hom nhỏ, mỗi hom có từ 3-5 mắt và 3-4 lóng.
Hom tiêu sau khi cắt xong tiến hành ươm ngay, nếu như vận chuyển đi xa thì phải cho vào thùng xốp để giữ ẩm, có thể dùng khăn ẩm bọc lại để tránh trầy xước.
Kỹ thuật chọn hom lươn
Trước khi cắt hom khoảng 15-30 ngày, bà con nên bấm ngọn toàn bộ dây lươn để tận dụng thêm nhiều hom ở phần ngọn.
Hom lươn có từ 2-3 mắt, các đốt đều nhau, không quá dài, khi ươm nên cắt hết lá trên hom.
Nếu vận chuyển đi xa, xếp hom lại thành từng bó, sau đó cho vào thùng xốp hoặc bọc khăn ướt để giữ ẩm [1].
Tài liệu tham khảo
[1] TS. Đặng Bá Đàn và cộng sự (2018). Tài liệu tập huấn - Kỹ thuật sản xuất cây hồ tiêu bền vững, Bộ Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn, trang 18-20.
[2] HTX Dịch vụ Nông nghiệp Nam Tây Nguyên (2018), Một số giống tiêu phổ biến ở Việt Nam.
[3] KS. Nguyễn Mạnh Chinh và cộng sự. (2007), Trồng - chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh cây hồ tiêu, NXB Nông Nghiệp, Thành phố Hồ Chí Minh, trang 18-19.
[4] Cây giống Khai Nguyên (2018), Tiêu giống Srilanka, Công ty Cổ phần Đầu tư và PTNN Khai Nguyên.
[5] Cung cấp cây giống Eakmat (2019), Kỹ thuật chọn và cắt hom tiêu để nhân giống tiêu.