Kỹ thuật trồng tiêu

Kích thước chữ

Tiêu là loại cây dễ trồng, tuy nhiên để có được một vườn tiêu khỏe mạnh, cho năng suất và chất lượng cao, bà con cần chú ý thực hiện tốt các kỹ thuật như: Kỹ thuật chọn trụ, đào hố, bón lót và xuống giống cây.

Hướng dẫn cách chọn trụ và kỹ thuật trồng tiêu đạt năng suất

Chọn trụ tiêu

  • Trụ tiêu là nơi để cây tiêu bám vào, sinh trưởng và phát triển trong suốt chu kỳ sống của cây. Trên thực tế, trụ tiêu được chia thành 2 loại là trụ sống và trụ chết, mỗi loại sẽ có những ưu điểm và nhược điểm riêng, bà con có thể tham khảo bài viết dưới đây để lựa chọn được loại trụ tiêu phù hợp.

Trụ sống

  • Sử dụng các loại cây đa niên để làm trụ cho tiêu bám vào, cây làm trụ phải dễ trồng, lớn nhanh, có rễ cọc ăn sâu vào đất để hạn chế cạnh tranh nước và dinh dưỡng, ít tàn lá, không tróc vỏ, khả năng chịu úng tốt. Một số loại cây được sử dụng phổ biến như: Cây lồng mức, cây keo dậu, cây muồng đen, cây gòn,...
Kỹ thuật trồng tiêu
Dây tiêu bò trên trụ sống
  • Ưu điểm

- Dễ nhân giống, chi phí đầu tư thấp.

- Có tác dụng chắn gió và che nắng cho cây tiêu giai đoạn mới trồng.

- Lựa chọn cây trụ sống thuộc họ đậu sẽ giúp cố định đạm trong đất, cành và lá cây có thể sử dụng làm phân bón cho cây tiêu hoặc làm thức ăn cho gia súc.

  • Nhược điểm

- Phải mất ít nhất 2 năm mới có một cây trụ sống đủ điều kiện cho cây tiêu leo. 

- Hàng năm, bà con phải tốn thời gian và công sức cho việc cắt tỉa cành cây trụ sống.

- Mật độ trồng tiêu thấp.

- Trụ sống có thể là nơi ẩn nấp của nhiều tác nhân gây hại cây tiêu [1],[2].

Trụ chết

Các loại trụ chết được sử dụng phổ biến hiện nay là: Trụ gỗ, trụ gạch, trụ đúc bê tông.

Kỹ thuật trồng tiêu
Dây tiêu bò trên trụ bê tông
  • Ưu điểm

- Không cạnh tranh dinh dưỡng với cây tiêu.

- Không tốn công sức và thời gian cắt tỉa hàng năm.

- Đối với trụ gạch và trụ đúc bê tông, có thể tồn tại lâu dài từ vụ này sang vụ khác.

  • Nhược điểm

- Chi phí đầu tư rất cao.

- Khi gặp thời tiết nắng nóng, trụ gạch và trụ đúc bê tông dễ tỏa ra nhiệt làm tổn thương rễ bám của cây tiêu, cần phải có các biện pháp che phủ.

- Sử dụng trụ gỗ thường không được lâu dài do mưa nắng và mối mọt phá hoại [1],[2].

Kỹ thuật đào hố

Tùy theo từng vùng đất và từng loại trụ mà kích thước hố trồng sẽ khác nhau, mỗi trụ có thể đào 1 hố hoặc 2 hố 2 bên.

  • Thông thường kích thước hố trồng tiêu rộng 40cm và sâu 60cm, những vùng có đất xấu nên đào hố rộng hơn.
  • Mỗi hố cách trụ từ 20-30cm.
  • Bà con nên khử trùng sạch sẽ các dụng cụ đào hố trước và sau khi sử dụng để hạn chế nấm bệnh phát sinh gây hại [1].
Kỹ thuật trồng tiêu
Kỹ thuật đào hố trồng tiêu

Kỹ thuật bón lót

Sau khi đào hố, bà con cần tiến hành bón lót để tăng lượng dinh dưỡng trong đất giúp cây con phát triển nhanh và khỏe mạnh hơn.

Lượng phân cần thiết sử dụng cho một hố trồng tiêu là:

  • 10-15kg phân chuồng hoai mục
  • BS07 - Trichoderma
  • 0,2 - 0,3 kg phân lân 
  • 0,2 - 0,3 kg vôi sống

Trộn đều hỗn hợp trên với lớp đất mặt, lấp xuống hố và ủ trong vòng 2 tuần [2].

Kỹ thuật trồng cây

Kỹ thuật trồng tiêu
Kỹ thuật xuống giống tiêu

Thời điểm trồng cây

  • Thời vụ trồng tiêu phụ thuộc vào điều kiện thời tiết của từng vùng. Thông thường, cây tiêu được trồng vào đầu mùa mưa, khi mưa đều, đất đủ ẩm. Bà con có thể tham khảo bảng dưới đây để biết được thời vụ trồng tiêu cụ thể của từng vùng [2].

Vùng

Tháng trồng

Miền Trung

8-10

Đông Nam Bộ

6-8

Tây Nguyên

3-8

Tây Nam Bộ

5-7

Cách trồng cây

  • Dùng dao hoặc tay xé nhẹ bầu, đặt bầu cách trụ khoảng 15-20cm, điều chỉnh bầu nghiêng 1 góc 45 độ, hướng chồi tiêu về phía trụ, mặt bầu ngang với mặt đất.
  • Lấp đất lại, nén chặt đất xung quanh bầu.
  • Dùng rơm hoặc cỏ khô tủ quanh gốc rồi tưới nước ngay để giữ ẩm cho cây [1],[2],[4].

 

Tài liệu tham khảo

[1] KS. Nguyễn Mạnh Chinh và cộng sự (2007), Trồng - chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh cây hồ tiêu, NXB Nông Nghiệp, Thành phố Hồ Chí Minh, trang 31-34.

[2] TS. Đặng Bá Đàn và cộng sự (2018). Tài liệu tập huấn - Kỹ thuật sản xuất cây hồ tiêu bền vững, Bộ Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn, trang 34-35.

[3] Phạm Thị Bích Liễu và cộng sự (2011), Giáo trình mô đun trồng tiêu - Nghề trồng hồ tiêu, NXB Nông Nghiệp, Bộ NN và PTNT.

[4] Trung Tâm Khuyến Nông Ngư Bình Phước (2011), Kỹ thuật trồng và chăm sóc cây tiêu. Tổng Công ty phân bón và hóa chất dầu khí.