Tổng quan về cây tiêu

Kích thước chữ

Hồ tiêu là loại cây công nghiệp nhiệt đới, có giá trị xuất khẩu cao mang lại nhiều lợi nhuận cho người nông dân. Tiêu là một gia vị quý, được sử dụng nhiều trong đời sống thường ngày của con người như trong công nghiệp chế biến thực phẩm, trong y học,...

Giới thiệu chung về cây hồ tiêu

Tên thường gọi: Cây tiêu, cây hồ tiêu

Tên khoa học: Piper nigrum L, thuộc họ: Hồ tiêu (Piperaceae)

Cây tiêu có nguồn gốc từ vùng Tây Nam Ấn Độ, chúng mọc hoang dại trong các rừng nhiệt đới ẩm. Sau khi phát hiện ra mùi vị đặc trưng của nó, người dân Ấn Độ đã canh tác và sử dụng rộng rãi trong các bữa ăn hàng ngày. Hiện nay, cây hồ tiêu đã được du nhập và trồng phổ biến ở nhiều nước khu vực Đông Nam Á như Indonesia, Malaysia, Thái Lan, Sri-Lanka, Việt Nam,... và khu vực Châu Phi, Châu mỹ như Madagascar, Brazil,... 

Đặc điểm hình thái của cây tiêu

  • Thân: Tiêu thuộc loại cây thân thảo, mềm dẻo, được phân làm nhiều đốt, tốc độ tăng trưởng khá nhanh, khi còn non thân có màu đỏ nhạt đến nâu xám, khi già có màu nâu sẫm [1],[2]. 
  • Rễ: Cây tiêu có 4 loại rễ là rễ cọc, rễ cái, rễ phụ và rễ bám.

- Rễ cọc: Chỉ có ở cây tiêu nhân giống bằng hạt, trung bình rễ cọc của một cây có thể ăn sâu tới trên 2m.

- Rễ cái: Có ở cây tiêu nhân giống bằng hom, mỗi hom thường có từ 3-6 rễ cái. Sau một năm trồng, rễ cái của hom cũng có thể ăn sâu tới 2m.

- Rễ phụ: Là loại rễ mọc ra từ rễ cái, chúng mọc thành từng chùm, tập trung nhiều ở độ sâu 15-40cm, có nhiệm vụ hút nước và dinh dưỡng nuôi cây.

- Rễ bám: Là Loại rễ khí sinh, mọc ra từ các đốt thân và cành, có nhiệm vụ bám vào trụ và giúp cây vươn cao. Khả năng hút nước và dinh dưỡng rất hạn chế [1],[2].

  • Cành: Cành tiêu được chia làm 3 loại là cành tược, cành lươn và cành quả.

- Cành tược: Là cành mọc ra từ các mầm nách lá trên cây tiêu dưới 1 năm tuổi và mọc gần song song với thân chính. Nếu sử dụng cành vượt làm hom giống thì cây có khả năng phát triển rất mạnh, tuổi thọ cao tuy nhiên ra hoa tạo quả chậm.

- Cành lươn: Là cành mọc ra từ gốc cây gần mặt đất, bò sát đất, đốt dài và nhỏ. Cây tiêu được trồng từ hom lươn thường ra hoa chậm hơn hom tược nhưng khả năng sinh trưởng khỏe hơn và thời gian khai thác lâu hơn.

- Cành quả: là cành mang quả, mọc ra từ ngọn thân của cây tiêu trên 1 năm tuổi, đốt cành ngắn, không có rễ bám. Nếu lấy cành này để làm hom giống thì thời gian ra hoa tạo quả sẽ nhanh hơn tuy nhiên cây thấp bé, cho năng suất của cây thấp, tuổi thọ ngắn hơn so với cành tược và cành lươn [1],[2].

  • Lá: Lá cây tiêu thuộc loại lá đơn, mọc cách nhau, có hình trái tim, kích thước lá trung bình dài từ 10-20cm, rộng 5-10cm. Mặt trên lá có màu xanh đậm bóng loáng, mặt dưới màu xanh nhạt hơn [2].
  • Hoa và quả:

- Hoa tiêu nhỏ, mọc thành từng gié, treo lủng lẳng trên cành quả. Kích thước mỗi gié từ 7-10cm, có khoảng 20-60 hoa trên 1 gié và xếp theo hình xoắn ốc, màu xanh nhạt hoặc vàng.

- Quả thuộc loại quả hạch, không có cuống, quả nhỏ, đường kính từ 4-8mm. Quả màu xanh, khi chín có màu đỏ, mỗi quả mang 1 hạt chiếm phần lớn khối lượng quả [1],[2].

Điều kiện sinh trưởng của cây tiêu

Nhiệt độ

  • Khoảng nhiệt độ thích hợp nhất cho sự sinh trưởng và phát triển của cây hồ tiêu dao động từ 18-26 độ C. Nhiệt độ thấp hơn 10 độ C hoặc cao hơn 40 độ C sẽ làm giảm sức sống của cây, thậm chí có một số giống bị ngừng sinh trưởng ở nhiệt độ 15 độ C.

Ánh sáng

  • Cây tiêu ưa thích ánh sáng tán xạ, giai đoạn cây con cây tiêu cần được che bóng. Khi lớn, cây cần ánh sáng để ra hoa tạo quả, lúc này bà con cần tiến hành cắt tỉa để cung cấp ánh sáng cho cây phát triển .

Độ ẩm

  • Hàng năm, lượng mưa tối thích cho sự phát triển của cây tiêu là khoảng 1500-2500mm, độ ẩm không khí đạt 75-90%. Ở từng giai đoạn khác nhau, cây yêu cầu một lượng nước khác nhau, thời kỳ ra hoa tạo quả là lúc cây cần nhiều nước nhất [2],[3],[4].

Đất đai

  • Tiêu có thể trồng trên nhiều loại đất như: Đất Bazan, đất phù sa, đất sét pha cát, đất cát,... Đất tơi xốp, giàu mùn, thoát nước tốt, không ngập úng, độ pH từ 5,5-7 [2].

Hiệu quả kinh tế của cây hồ tiêu

Hiệu quả kinh tế trồng hồ tiêu
Hiệu quả kinh tế trồng hồ tiêu
  • Hồ tiêu là loại cây công nghiệp chủ lực của nước ta, diện tích trồng hồ tiêu của nước ta tính từ năm 2021 đến nay khoảng 130 nghìn ha. Trong đó, vùng Đông Nam Bộ và Tây Nguyên chiếm trên 95%, 5% còn lại rải rác ở các tỉnh Bắc Trung Bộ và Duyên Hải miền Trung.
  • Hiện nay, hồ tiêu là một trong những mặt hàng xuất khẩu chính của nước ta bởi giá trị kinh tế mà nó mang lại rất lớn [5]. 
  • Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, tình hình xuất khẩu hạt tiêu của Việt Nam 5 tháng đầu năm 2022 đạt 99,54 nghìn tấn, trị giá 460,54 triệu USD, nhìn chung con số này giảm 17,8% về lượng, tuy nhiên 21,6% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái [6].

 

Tài liệu tham khảo

[1] Hoàng Thanh Tiệm và cộng sự (2007), Kỹ thuật trồng, chăm sóc và chế biến hồ tiêu, NXB Nông nghiệp Hà Nội.

[2] KS. Nguyễn Mạnh Chinh và cộng sự. (2007), Trồng - chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh cây hồ tiêu, NXB Nông Nghiệp, Thành phố Hồ Chí Minh.

[3] Viện Eakmat - Trung tâm cung cấp giống cây trồng chất lượng (2019), Yêu cầu sinh thái của cây hồ tiêu.

[4] Liễu Nguyên (2010), Điều kiện sinh thái, sinh trưởng và phát triển của cây hồ tiêu. Phân bón Lưu Ích.

[5] Tổng Cục Thống Kê (2021), Hướng tới phát triển bền vững cây hồ tiêu.

[6] Trà Giang (2021), Xuất khẩu hạt tiêu 5 tháng đầu năm 2022 tăng mạnh về trị giá, Tạp chí doanh nhân và pháp lý.