Việc lựa chọn giống xoài tùy thuộc vào nhu cầu thị trường và nhu cầu sản xuất của từng hộ trồng xoài. Hiện nay, để nhân giống một cách nhanh chóng và hiệu quả, bà con nông dân thường sử dụng phương pháp ghép mắt và ghép cành. Tuy nhiên, cần phải chú trọng vào khâu chọn cành ghép, mắt ghép, gốc ghép sao cho cây sinh trưởng nhanh, phát triển tốt và ít sâu bệnh gây hại nhất.
Một số giống xoài được trồng phổ biến hiện nay
Xoài được coi là một loại trái cây khá phổ biến, nó có chứa nhiều chất dinh dưỡng có lợi cho sức khỏe con người. Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, xoài có khả năng tăng cường hệ miễn dịch, làm giảm nguy cơ béo phì, cải thiện trí nhớ,... Hiện nay, trên thị trường có rất nhiều giống xoài được bày bán. Cùng điểm qua một số loại xoài được người tiêu dùng khá ưa chuộng hiện nay.
- Xoài Cát Hòa Lộc
Có nguồn gốc ở Hòa Hưng, Cái Bè, Tiền Giang. Quả dạng thuôn dài, trọng lượng từ 400-600g, nếu chăm sóc tốt có thể lên đến 700-800g, bề mặt vỏ trái có nhiều chấm tròn nhỏ màu nâu đen, đầu quả nhọn và eo quả lõm vào. Thời gian ra hoa đến khi thu hoạch từ 105-120 ngày [5].
- Xoài Cát Chu
Đây là loại xoài được trồng nhiều ở Tiền Giang và Đồng Tháp. Quả dạng thuôn, đầu quả tròn, thường có trọng lượng từ 300-350g. Cây dễ ra hoa và đậu quả nên thời gian từ khi ra hoa đến khi thu hoạch từ 95-105 ngày [5].
- Xoài Tượng
Xoài tượng có kích thước khá lớn, đây là giống xoài có khối lượng lớn nhất trong các loại xoài ở Việt Nam, khối lượng có thể lên đến gần 1kg. Quả có hình dạng khá dài, khi chín có màu vàng nhạt. Quả chưa chín có vị chua nhẹ, hơi ngọt, giòn, thường được dùng để làm gỏi [4].
- Xoài bưởi
Xoài bưởi hay còn gọi là xoài ghép hay xoài mùa mưa, thường được trồng bằng hạt và cho quả sau 3 năm trồng. Lá rộng và dài, dễ ra hoa. Thời gian ra hoa đến khi thu hoạch là 105-110 ngày [5].
- Xoài Thái
Đây là giống xoài quý được nhập khẩu từ Thái Lan. Chúng có khả năng thích ứng tốt với môi trường và khí hậu ở nước ta nên cho năng suất và chất lượng quả cao. Xoài Thái không kén đất và ít sâu bệnh. Thời gian sinh trưởng và cho thu hoạch ngắn hơn các giống xoài nội địa [4].
- Xoài Đài Loan Đỏ
Đây là giống cây dễ trồng, tỷ lệ ra hoa và đậu trái cao. Quả có màu tím hồng, thịt vàng, vị ngọt dịu, có khối lượng từ 1-1,5kg, có thể ăn xanh hoặc ăn chín [5].
Kỹ thuật chọn gốc ghép
- Nên chọn những cây giống có nguồn gốc bản địa, đã thích nghi sẵn với điều kiện khí hậu tại địa phương.
- Bà con nên lựa chọn những gốc ghép đang có dấu hiệu bắt đầu một đợt sinh trưởng mới (đang lên nhựa). Chọn gốc ghép tương đối non thì cây dễ sống hơn.
- Gốc ghép cần đạt một số yêu cầu như: Có khả năng sinh trưởng mạnh mẽ, bộ rễ khỏe, sức sống cao, mọc thẳng, không dị dạng, ít sâu bệnh, có khả năng nuôi cành, mắt ghép tốt [1].
- Không lựa chọn những gốc ghép xấu, chưa rõ nguồn gốc.
Kỹ thuật chọn cành ghép
- Chọn những cành bánh tẻ với đường kính nhỏ hơn hoặc bằng đường kính gốc ghép, sinh trưởng tốt và đặc biệt là không sâu bệnh.
- Cành ghép được chọn nên có từ 2 đến 3 đợt lộc, vì những đợt lộc này có rất nhiều mắt ngủ, khả năng bật chồi sau khi ghép sẽ nhanh hơn.
- Tốt nhất lấy đoạn búp cành khoảng 3-4 tháng tuổi, không quá già và không quá non để sau ghép, mắt giống sẽ bật mầm nhanh [2].
- Cành ghép có thể được lấy từ những cây mẹ trồng ở trong vườn vật liệu giống là những giống thuần, được công nhận về chất lượng và mẫu mã quả.
Lưu ý: Cần buộc thành từng bó đối với các đoạn cành giống sau cắt; gốc và ngọn được xếp cùng chiều, sau đó bọc trong vải hoặc khăn cotton ẩm và bảo quản nơi thoáng mát, ghép dần trong 1-2 ngày [3].
Kỹ thuật chọn mắt ghép
- Bà con cần phải lựa chọn những mắt giống từ cây mẹ sạch sâu bệnh, chất lượng tốt và sai quả. Không lấy cành ngọn, cành hỏng, cành mọc lòa xòa tưới tán mà chỉ nên lấy mắt ghép trên các cành mọc ngang tán trở xuống. Mắt ghép nên lấy từ các cành bánh tẻ non, khỏe, màu sắc đã chuyển sang xám [4].
- Mắt giống được chọn từ cây mẹ có phẩm chất tốt, năng suất cao, lấy mắt trong giai đoạn cây xoài cho năng suất ổn định và không lấy từ những cây già cỗi hoặc những cành còn non.
- Nếu vận chuyển xa, cành ghép cần phải được bảo quản trong điều kiện mát ẩm [3].
Tài liệu tham khảo
[1] Phan Ngưỡng Tinh và cộng sự (2007), Kỹ thuật ghép cây ăn quả, NXB Nông Nghiệp.
[2] GS. TS. Lê Văn Tố và cộng sự (2006), Kỹ thuật trồng, chăm sóc cây ăn quả theo ISO (Quyển 5: Cây xoài), NXB Lao động Xã hội.
[3] Ths Nguyễn Hải Tiến (2021), Kỹ thuật ghép nhân giống cây xoài, Nông nghiệp Việt Nam.
[4] GS. TS. Trần Thế Tục (1998), Kỹ thuật trồng xoài, na, đu đủ, hồng xiêm, NXB nông nghiệp, Hà Nội.
[5] PGS. TS. Nguyễn Văn Kế và cộng sự (2019), Bài giảng Cây ăn quả, Trường ĐH Nông lâm Thành phố Hồ Chí Minh.