Kỹ thuật trồng cây chôm chôm

Kích thước chữ

Nắm rõ quy trình kỹ thuật khi trồng một cây mới rất quan trọng. Nếu thực hiện đúng, cây sẽ phát triển tốt, rễ chắc, cây khỏe, nhanh ra trái, ngược lại, trong quá trình trồng gặp sai sót cây sẽ phát triển không thuận lợi khiến. 

Hướng dẫn kỹ thuật cách trồng cây chôm chôm

Kỹ thuật lên luống  

  • Khi chuẩn bị lên luống, bà con nông dân cần tiến hành dọn sạch cỏ dại, các loại rác thải trên vườn sau đó mới tiến hành lên luống. 
  • Đối với vùng Đồng bằng sông Cửu Long, thiết kế vườn trồng có mương liếp. Mương rộng khoảng 2m, sâu 1 - 2m, luống đơn rộng 4 - 5m, luống đôi rộng 8 - 10m, trên luống đôi có rãnh thoát nước ở giữa luống [1]. 
  • Đối với miền Đông Nam Bộ, cần thiết kế mặt luống phù hợp theo độ dốc, bố trí hệ thống mương, rãnh để ngăn, giữ và thoát nước. Đê giữ nước phải có độ cao trên 30cm [1]. 
  • Bố trí thêm cống, đập, hệ thống ống dẫn, thoát nước để phù hợp cho việc xử lý ngập. 

Kỹ thuật đào hố 

  • Bà con nông dân nên đào hố với kích thước rộng và sâu 0,5m, mỗi hố trên luống cách nhau từ 3 - 4m với mật độ khoảng 1.000 hố/ ha [1]. 
  • Đối với luống đôi, đào 2 hàng, các hàng trồng cách nhau từ 4 - 5m. 
Đào hố trồng cây
Đào hố trồng cây

Kỹ thuật bón lót 

Sau khi đã lên luống và đào hố, bà con nông dân tiến hành bón lót để cung cấp đầy đủ dưỡng chất cho đất. 

  • Lượng phân cần sử dụng tính cho 1 hố trồng chôm chôm là: 

- 0,5kg vôi bột [1]. 

- 5 - 10kg phân chuồng ủ hoai mục [2]. 

- 200 - 300g phân hỗn hợp NPK 15 - 15 - 15 [2]. 

- BS07 - Trichoderma 

  • Trộn đều cùng với đất đào hố và lấp hố lại để từ 15 - 20 ngày rồi mới tiến hành trồng [1]. 
Trichoderma xử lý đất
Trichoderma xử lý đất

Kỹ thuật xuống giống chôm chôm 

Thời điểm xuống giống 

  • Bà con nông dân có thể trồng chôm chôm vào những thời điểm không có mưa lớn để tránh ngập úng, nghẹt rễ. 
  • Thời điểm trồng chôm chôm thích hợp nhất là đầu mùa mưa, từ tháng 4 - 5 [2]. 

Các bước trồng cây 

  • Bước 1: Cho cây vào hố 

- Nhẹ nhàng dùng tay lột vỏ bao bầu để không làm ảnh hưởng đến rễ cây. 

- Đặt bầu đất xuống làm sao cho mặt bầu ngang với mặt đất. 

Lưu ý: có thể điều chỉnh hố trồng cho phù hợp. Nếu mặt bầu cao hơn mặt đất thì đào hố sâu hơn, nếu mặt bầu thấp hơn mặt đất thì độn thêm đất vào hố. 

- Sau khi cho cây vào hố, lấp chặt đất lại, sau đó tưới nước ngay để cây không bị héo. 

  • Bước 2: Tỉa cây 

- Bà con nông dân tỉa bớt lá trên cây để cây giảm cường độ quang hợp, thời gian đầu, tập trung dinh dưỡng để hồi phục bộ rễ. 

  • Bước 3: Cố định cây 

- Sử dụng cọc cắm và buộc dây lại để cây được đứng thẳng, không bị đổ, gãy do tác động của gió. 

- Bà con nông dân có thể tận dụng những địa điểm ít gió hoặc trồng thêm các loại cây có tính chắn gió như phi lao, bạch đàn,... 

  • Bước 4: Giữ ẩm và xử lý ngập 

- Nếu tháng đầu tiên thời tiết khô hạn: tưới từ 2 - 3 ngày 1 lần để cây luôn đạt trạng thái ẩm. 

- Nếu tháng đầu tiên gặp mưa ngập: đắp đê chống ngập, hoặc khoét sâu rãnh để hỗ trợ thoát nước cho cây. 

 

Tài liệu tham khảo 

[1] Tài liệu mạng: Mô hình trồng, chăm sóc vườn chôm chôm, 2022. Trung tâm thông tin và thống kê KH & CN 

[2] Nguyễn Mạnh Chinh, Nguyễn Đăng Nghĩa, 2006. Trồng - chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh Nhãn - Chôm chôm - Mãng cầu, NXB Nông Nghiệp.