Hiện nay trên thị trường có rất nhiều giống chôm chôm cho năng suất cao. Tùy vào điều kiện khí hậu và điều kiện đất đai ở từng địa phương mà bà con nên cân nhắc lựa chọn các loại giống phù hợp.
Hướng dẫn chi tiết cách chọn giống chôm chôm
Một số giống chôm chôm được trồng phổ biến
Giống chôm chôm Java
Đặc điểm của giống Java là trái to, cùi dày, vị ngọt thanh, hương thơm dịu. Ngoài ra khi chín, vỏ quả có màu đỏ tươi, bắt mắt nên thường được lựa chọn để xuất khẩu ra nước ngoài.
Chôm chôm Java thích hợp trồng ở vùng đất không ngập úng, nhiệt độ trung bình từ 20 - 30°C, khối lượng trái đạt bình quân 23 - 27 trái/ kg, có thể đạt năng suất khoảng 30 tấn/ vụ.
Giống chôm chôm Thái
Chôm chôm Thái có sức sốc tốt, sinh trưởng nhanh, trái to, có vị ngọt, thơm dịu, thịt quả dày, hạt quả nhỏ. Đặc biệt, quả sẽ không bị nứt khi gặp thời tiết mưa kéo dài.
Giống phát triển tốt nhất khi được trồng ở vùng đất không ngập úng, chi phí đầu tư thấp hơn nhiều giống khác. Nếu được chăm sóc đúng quy trình sẽ đạt trung bình 20 quả/ chùm, trọng lượng đạt từ 50 - 70g/ quả.
Giống chôm chôm nhãn
Chôm chôm nhãn hay còn gọi là chôm chôm đường, là giống có giá trị kinh tế cao, có vị ngọt và mùi thơm rất mạnh do lượng đường trong quả cao, thịt quả giòn và mọng nước.
Giống có kích thước nhỏ hơn so với các giống chôm chôm khác, từ 40 - 50 quả chỉ xấp xỉ 1kg nhưng lại có giá trị kinh tế và giá trị dinh dưỡng vượt trội, quả cung cấp nhiều chất đạm, vitamin C cũng như 1 số nguyên tố vi lượng khác.
Kỹ thuật chọn gốc ghép
Chọn những cây giống có nguồn gốc bản địa, có khả năng thích nghi tốt với điều kiện ngoại cảnh, khí hậu khu vực trồng.
Gốc ghép đạt 8 - 12 tháng tuổi, có khả năng sinh trưởng mạnh, rể khỏe, mọc thẳng, không dị dạng, ít sâu bệnh.
Không lựa chọn những gốc ghép xấu, chưa rõ nguồn gốc.
Lưu ý: Những gốc ghép dại có thể mang về nhiều nguồn bệnh khác nhau cho cả vườn.
Kỹ thuật chọn cành ghép
Chọn những cành bánh tẻ dài từ 6 - 8 tháng tuổi, có đường kính nhỏ hơn hoặc bằng đường kính của gốc ghép, nằm ở ngoài bìa tán và được tiếp xúc nhiều ánh sáng.
Không nên lấy những cành quá non (còn xanh và mềm) hoặc quá già (khô cứng lại).
Không chọn những cành bị sâu bệnh hại tấn công hoặc dị dạng, sức sống kém.
Cành ghép có thể được lấy từ những cây mẹ trồng ở trong vườn vật liệu giống, là những giống thuần, được công nhận về chất lượng và mẫu mã quả.
Lưu ý: Chúng ta có thể ghép luôn ngay khi lấy được đoạn cành hoặc buộc thành từng bó lại, sau đó bọc trong khăn vải ẩm và bảo quản nơi thoáng mát để ghép dần sau 1 - 2 ngày.
Tài liệu tham khảo
[1] Nguyên Tiến Hiền và ctv, Giáo trình mô đun trồng và chăm sóc chôm chôm MĐ04 - Nghề trồng xoài - ổi - chôm chôm, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn.