Kỹ thuật nhân giống cây chanh

Kích thước chữ

Phương pháp ghép là một phương pháp đơn giản, có tỷ lệ thành công cao. Tuy nhiên nếu bà con không thực hiện đúng kỹ thuật thì cây sau khi ghép sẽ khó bật chồi hoặc bật chồi nhưng không phát triển được.

Các phương pháp nhân giống chanh

Kỹ thuật nhân giống chanh bằng phương pháp ghép cành

Ưu điểm, nhược điểm của ghép cành

  • Ưu điểm

- Cây con giữ được các đặc tính tốt của cây mẹ, cây sinh trưởng khỏe mạnh, cho năng suất cao, ổn định.

- Khả năng chống chịu cao với điều kiện ngoại cảnh.

- Tỷ lệ cây sống cao.

- Trong thời gian ngắn có thể nhân được rất nhiều cây con mới.

- Hệ số nhân giống cao, cây ra hoa tạo quả sớm.

  • Nhược điểm

- Đòi hỏi người ghép phải có kỹ thuật tốt, cẩn thận, tỉ mỉ từng bước.

- Thời gian giữa các bước ghép phải ngắn để nhựa cây không bị khô dẫn đến tỉ lệ sống của cây ghép bị giảm.

- Nếu chọn phải chồi ghép từ cây mẹ có nhiễm bệnh thì cây con sau này cũng sẽ bị nhiễm bệnh theo [1].

Các bước ghép cành cho cây chanh

Chuẩn bị dụng cụ ghép gồm: Dao, kéo cắt cành và bao quấn chuyên dụng.

Lưu ý: Các dụng cụ ghép phải được khử trùng trước khi sử dụng.

Dụng cụ ghép cành cho cây chanh
Dụng cụ ghép cành cho cây chanh
  • Bước 1: Xử lý gốc ghép
Xử lý gốc ghép
Xử lý gốc ghép

- Dùng kéo sắc cắt bỏ phần ngọn thân của gốc ghép.

- Tại vị trí giữa mặt cắt của gốc ghép, chẻ dọc thân một đoạn khoảng 3 - 5cm [1].

  • Bước 2: Xử lý cành ghép
Xử lý cành ghép
Xử lý cành ghép

- Dùng dao sắc cắt vát chồi ghép thành hình nêm (Hình chữ V) dài tương đương với đoạn chẻ trên gốc ghép [1].

  • Bước 3: Ghép cành
Ghép cành
Ghép cành

- Gắn cành ghép vào gốc ghép, điều chỉnh cho lớp vỏ của cành ghép và gốc ghép khớp với nhau [1].

Lưu ý: Trường hợp kích thước của cành ghép và gốc ghép không tương ứng với nhau thì có thể điều chỉnh vỏ của chúng khớp về một phía.

  • Bước 4: Cố định cành ghép
Cố định cành ghép
Cố định cành ghép

- Dùng bao nilon chuyên dụng quấn cố định phần gốc ghép và cành ghép [1].

Lưu ý: Quấn kín phần cành ghép để không cho nước vào làm thối cành.

Kỹ thuật nhân giống chanh bằng phương pháp ghép mắt

Ưu điểm, nhược điểm của phương pháp ghép mắt

  • Ưu điểm

- Cây thừa hưởng được đặc tính tốt của cây mẹ nên sinh trưởng phát triển khỏe mạnh, nhanh cho quả. 

- Khả năng chống chịu cao với điều kiện ngoại cảnh.

- Hệ số nhân giống cũng như tỷ lệ sống cao.

- Cây ít bị nhiễm sâu, bệnh.

  • Nhược điểm

- Đòi hỏi người ghép phải có kỹ thuật tốt, thao tác cẩn thận, tỉ mỉ [2].

Các bước ghép mắt cho cây chanh

Chuẩn bị dụng cụ ghép gồm: Dao, kéo và bao quấn chuyên dụng.

Lưu ý: Các dụng cụ ghép phải được khử trùng trước khi sử dụng.

Dụng cụ ghép mắt cho cây chanh
Dụng cụ ghép mắt cho cây chanh
  • Bước 1: Xử lý gốc ghép
Xử lý gốc ghép
Xử lý gốc ghép

- Dùng mũi dao cắt một đường ngang thân khoảng 1cm, tại giữa đường cắt ngang, rạch một đường dọc lên khoảng 2cm tạo thành hình chữ T ngược [2].

  • Bước 2: Xử lý mắt ghép
Xử lý mắt ghép
Xử lý mắt ghép

- Dùng dao sắc cắt vát lấy phần mắt ghép, độ dài tương đương với chữ T trên gốc ghép, phía dưới mắt ghép có dính một ít gỗ [2].

  • Bước 3: Ghép mắt 
Ghép mắt
Ghép mắt

- Tách nhẹ phần vỏ chữ T ngược ra để gắn mắt ghép vào, thao tác cẩn thận để tránh làm rách phần vỏ trên gốc ghép [2].

  • Bước 4: Cố định mắt ghép
Cố định mắt ghép
Cố định mắt ghép

- Dùng bao nilon chuyên dụng quấn cố định phần mắt ghép và gốc ghép [2].

Lưu ý: Quấn kín phần mắt ghép để không cho nước vào làm thối mắt.

Kỹ thuật chăm sóc cây sau ghép

  • Tưới nước

Bà con chủ động tưới nước đầy đủ cho cây, không tưới quá nhiều nước sẽ làm cây bị úng nước. Vào mùa khô nên tăng số lần tưới lên 2 lần/ngày, thời điểm tưới thích hợp là vào buổi sáng và buổi chiều mát. Hạn chế tưới nước lên phần mắt ghép hoặc cành ghép.

  • Cắt tỉa

Song song với sự phát triển của chồi ghép, các chồi khác của gốc ghép cũng sẽ phát triển. Cần cắt bỏ các mầm này để cây tập trung nuôi chồi ghép [1].

  • Phân bón

Sau khi ghép, bà con cần bổ sung đầy đủ dinh dưỡng cần thiết để cây nhanh bật chồi. Có thể bón kết hợp phân hóa học NPK với phân hữu cơ vi sinh như BS14 - Amino (Bón lá) và BS21 - Humic vi sinh (Bón gốc) để kích thích bộ rễ phát triển, cây bật chồi nhanh, chồi to, khỏe.

 

Tài liệu tham khảo

[1] Trần Thị Xuyến và Ngô Hoàng Duyệt. (2011), Nhân giống bằng ghép - Nghề nhân giống cây ăn quả, Trường Cao đẳng Nông nghiệp Nam Bộ.

[2] Nguyễn Thanh Bình và cộng sự. (2011), Chuẩn bị cây giống để trồng - Nghề trồng cây có múi, Bộ Nông nghiệp và PTNT.