Cải tạo, xử lý đất là một yếu tố vô cùng quan trọng mà bà con nông dân cần phải lưu ý trong quá trình canh tác. Cây mãng cầu na có phát huy được hết ưu thế của giống hay không phụ thuộc rất nhiều vào chất lượng đất trồng. Tham khảo cách cải tạo xử lý đất trồng mãng cầu na cùng Bác Sĩ Cây Xanh.

Điều kiện, tính chất đất phù hợp với cây mãng cầu na

Mãng cầu na có thể trồng trên nhiều loại đất khác nhau. Tuy nhiên, để cây mãng cầu na có thể sinh trưởng và phát triển tốt nhất, bà con nên chọn trồng cây ở những nền đất có các tính chất như sau [1],[2]:

  • Đất có tầng đất dày từ 1 - 2m, đất rừng mới khai phá, đất đồi, ven sông suối, đất nhiều mùn, giàu dinh dưỡng, thoát nước tốt, độ ẩm đất từ 70 - 80%.
  • Mãng cầu na không chịu được đất chua, độ pH đất trồng cây phải dao động từ 5,5 - 7,4.
  • Vùng đất trồng cây nên cách xa khu công nghiệp, nhà máy, bệnh viện,... tránh tiếp xúc với nguồn nước ô nhiễm.
  • Loại đất thích hợp nhất cho việc trồng cây mãng cầu na là đất phù sa, đất thịt nhẹ, đất đỏ.

Lưu ý: Cây mãng cầu na trồng trên đất cát sỏi, đất thịt nặng, đất đá vôi, đất khô hạn,... vẫn có thể sống nhưng cây sẽ mau chóng già cỗi, sinh trưởng kém, cho quả nhỏ, thịt quả ít, không đạt chất lượng [3].

Xử lý đất trước khi gieo trồng

Hầu hết các loại nấm bệnh nguy hiểm cho cây trồng đều tồn tại trong đất. Nhiều người nông dân chỉ chú trọng đến việc bón phân, chăm sóc mà đôi khi lơ là việc xử lý đất trước khi trồng, làm ảnh hưởng xấu đến năng suất chất lượng cây.

Để cây sinh trưởng khỏe mạnh, ít bị nấm bệnh, nên tiến hành xử lý đất thật kỹ rồi mới đem cây đi trồng. Dưới đây là các bước xử lý đất cơ bản, bà con có thể tham khảo và áp dụng:

Bước 1: Dọn dẹp vệ sinh vườn

  • Nhổ bỏ cỏ dại, dọn dẹp bao bì, rác thải còn sót lại ở những vụ trồng trước.

Bước 2: Bón vôi

  • Sử dụng các loại vôi bột nông nghiệp được bán phổ biến trên thị trường để bón cho đất trồng cây mãng cầu na.
  • Liều lượng vôi bón cho 1ha đất trồng là 0,7 - 1 tấn.

Bước 3: Cày đất

  • Dùng máy cày cày đất sâu khoảng 30 - 35cm, giúp thay đổi môi trường sống của vi sinh vật gây hại trong đất, góp phần tiêu diệt mầm bệnh gây hại cây trồng [2].

Bước 4: Xử lý BS07 - Trichoderma

Xử lý đất trồng na bằng Trichoderma
Xử lý đất trồng na bằng Trichoderma

Sau khi bón vôi và cày sâu phơi ải từ 15 - 20 ngày, bà con tiến hành pha BS07  - Trichoderma với 200 - 400 lít nước, sau đó tưới đều trên bề mặt đất trồng.

Tài liệu tham khảo

[1] Trần Thế Tục, 1998. Kỹ thuật trồng xoài, na, đu đủ, hồng xiêm, trang 11- 12.

[2] Sở Nông Nghiệp và PTNT tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, 2016.  Giáo trình mô đun trồng mới cây mãng cầu ta, trang 3 -5.

[3] Sở Nông Nghiệp và PTNT tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, 2016.  Giáo trình mô đun nhân giống cây mãng cầu ta, trang 9.

Xem thêm