Tổng quan về cây ớt

Kích thước chữ

Cây ớt là loại cây khá quen thuộc đối với mỗi gia đình Việt. Nó là loại gia vị luôn có mặt trong mỗi bữa ăn của chúng ta. Cùng tìm hiểu về những đặc điểm của cây ớt ở bài viết dưới đây để có cái nhìn tổng quan về loại cây này trước khi bắt đầu một vụ mùa sản xuất mới nhé. 

Giới thiệu chung về cây ớt

Tên thường gọi: Ớt

Tên khoa học: Capsium frutescens L. Thuộc họ Cà (Solanaceae)

  • Ớt thuộc cây họ cà, là loại cây gia vị không thể thiếu trong các bữa ăn. Thuộc họ thân thảo, thân dưới hóa gỗ, thân tròn, dễ gãy, cây không cao nhưng nhiều nhánh, nhiều lá. Lá có hình thoi, mọc đối xứng nhau và hơi nhọn về phía ngọn. Cây ớt mọc nông, có rễ trụ nhưng do quá trình phân nhánh mạnh nên phát triển thành rễ chùm. 
  • Ớt là cây hàng năm (cây một năm) có hoa lưỡng tính, hoa có màu trắng và thường nở vào lúc 9-10h sáng. Quá trình phân hóa mầm hoa trên cây ớt phụ thuộc vào nhiều yếu tố như nhiệt độ, ánh sáng, ẩm độ và dinh dưỡng. Quả ớt thuộc loại quả mọng và nhiều nước [1].

Điều kiện sinh trưởng

Nhiệt độ

Nhiệt độ ảnh hưởng đến sự sinh trưởng, khả năng ra hoa và tỷ lệ đậu quả của cây. Nhiệt độ thích hợp cho cây ớt là từ 18-28 độ C, nếu nhiệt độ vượt quá 32 độ C hoặc dưới 15 độ C thì thường gây hiện tượng cây tăng trưởng kém, hoa dễ rụng và giảm kích thước quả [2].

 

Bảng 1.1: Ảnh hưởng của nhiệt độ đất sự nảy mầm của hạt giống

Nhiệt độ đất (độ C)

5

10

15

20

25

30

35

40

Số ngày nảy mầm

x

x

25

13

8

8

9

x

                                                                                                                         x: không nảy mầm

                                                                                                            Nguồn: NXB Nông nghiệp

Từ bảng trên có thể thấy, từ 25-30 độ C là nhiệt độ thích hợp giúp hạt giống nảy mầm nhanh nhất, chỉ mất từ 8 đến 9 ngày. 

Ánh sáng

  • Ớt là cây ưa sáng, thời gian chiếu sáng thích hợp trong ngày từ 8-9h. Với điều kiện này thì cây sinh trưởng nhanh, tăng tỷ lệ đậu quả và chất lượng trái. Ngược lại, với điều kiện âm u, thiếu ánh sáng thì sẽ khiến cây sinh trưởng kém, khó đậu quả [2].

Độ ẩm 

  • Cây ớt rất thích điều kiện thời tiết ấm và ẩm. Điều kiện khô hạn sẽ kích thích quá trình chín quả, nhưng nếu ẩm độ khoảng 10% thì sẽ khiến tăng tỷ lệ rụng quả.
  • Bên cạnh đó, vào giai đoạn ra hoa và hình thành quả, nếu ẩm độ dưới 70% thì quả sẽ bị sần sùi, chất lượng quả giảm. Vì vậy, tốt nhất nên duy trì ẩm độ đất từ khoảng 70-80%. Nếu độ ẩm cao, rễ sinh trưởng kém, cây còi cọc [2].

Đất và dinh dưỡng

  • Ớt là cây dễ trồng, đặc biệt là ớt cay. Các loại đất có thể trồng ớt như đất thịt nhẹ, đất cát pha, đất thịt pha sét, đất phù sa ven sông, đất canh tác lúa. Đất chua và đất kiềm sẽ khiến cho cây sinh trưởng kém và chín quả sớm. pH thích hợp từ 5,5-6,5.
  • Ớt là cây có năng suất cao và thời gian sinh trưởng dài nên chúng cần rất nhiều dinh dưỡng. Tùy theo từng giai đoạn mà cây ớt cần những nguyên tố dinh dưỡng khác nhau. Ớt cần nhiều đạm nhất, sau đó là lân, kali [2].

Hiệu quả kinh tế

  • Ớt chỉ thiên là loại ớt khá dễ trồng, kháng bệnh tốt và thời gian thu hoạch dài. Năm 2020, loại ớt này cho năng suất khoảng 140-160 tạ/ha và giá bán từ 20.000-25.000 đồng/kg. Với giá ớt này, bà con đạt lợi nhuận cao gấp 10 lần so với trồng lúa.
  • Bên cạnh đó, ớt sừng trâu cũng là một loại ớt khá phổ biến, siêu năng suất. Loại ớt này có năng suất từ 25-30 tấn/ha, có giá bán khoảng 25.000- 30.000 đồng/kg [3].

 

Tài liệu tham khảo

[1] Trung tâm Phát triển Kinh tế Nông thôn CRED, (2020). Kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch, sơ chế và bảo quản theo tiêu chuẩn hữu cơ, Sổ tay kỹ thuật, 3-12.

[2] Trường TH NN & PTNT Quảng Trị (2013),  Kỹ thuật trồng và chăm sóc cây ớt. Tài liệu tập huấn, 8-10

[3] Hoàng Hà (2021), Trồng ớt đem lại hiểu quả kinh tế cao, thainguyen.gov.vn